HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC – PHẦN 3: HÀNH HƯƠNG LÊN ĐỀN THÁNH
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (17/11/2024) – Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Trên đường đi, họ hát những bài thánh ca hành hương, hoặc thánh vịnh.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNGCHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 3: HÀNH HƯƠNG LÊN ĐỀN THÁNH
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành ta đã dừng chân…”
(Tv 122,1-2).Từ Abraham tới vua Salomon, phải mất khoảng 1000 năm người Do Thái mới được hát lời Thánh Vịnh trên đây. Số là sau khi vào Đất hứa năm 1200 TCN, Giôsuê là đồ đệ trung thành của Môsê tiếp tục mở mang bờ cõi. Họ chọn Gilgal làm bản doanh và Sikem (Gs 24,25) làm nơi thờ phượng, nơi có Hòm Bia Giao Ước[1]. Hòm Giao Ước từng được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm. Sau 200 năm về lại Đất Hứa, dưới tài lãnh đạo của vua David (Đa-vít, 1040-970 TCN), nước Do Thái ở đỉnh cao của thịnh vượng cả về tôn giáo lẫn chính trị.
Về chính trị, vua đã thống nhất đất nước, và chọn Giêrusalem làm thủ đô. Về mặt tôn giáo, vua Đavít rước hòm bia về Giêrusalem (2 Sm 6) với hy vọng xây dựng đền thờ. Lúc đó, người ta chỉ đưa Hòm Bia Đức Chúa đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. (2 Sm 6,1-16). Chỉ là một cái lều! Khi “Vua Đavít được chôn cất trong thành vua Đa-vít” (1 V 2,10), Đền thờ vẫn chỉ là dự án. Tuy nhiên phải chờ đến Salomon, con của Đavít, Đền Thờ Thứ Nhất mới được hoàn thành (1V 5-8). Từ đó ý nghĩa hành hương lên Đền Thánh Chúa phát triển một cách nhanh chóng (1V 12,27).
Khi đến Giêrusalem, gần mộ vua Đavít là khu Đền thờ Giêrusalem hay còn gọi là Đền Thánh tọa lạc trên một ngọn núi bên trong thành phố cổ Giêrusalem. Theo đức tin của người Do Thái thì đây là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tin như thế.
Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua (the Feast of Unleavened Bread, hay Passover), Lễ Ngũ Tuần (the Feast of Weeks, hay Pentecost), và Lễ Lều (Feast of Tabernacles, hoặc Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài thánh ca hành hương, hoặc thánh vịnh.
Vui mừng là thế, hạnh phúc là vậy, nhưng đền thờ thứ nhất này chẳng tồn tại được bao lâu. Số là vua Salomon mỗi lúc một trụy lạc, chạy theo những thú ăn chơi và không trung thành với Giao Ước. Sau khi vua Salomon băng hà, các chi tộc nhà Israel tan rã, Nam Bắc chia cắt[2] (vào năm -931). Khoảng 200 năm sau vua Sargon II nước Assyri đã chiếm được thủ đô Samari của Israel. Miền Bắc thất thủ. Vua bắt những thành phần ưu tú của Israel đi lưu đày, rồi lại đưa những dân khác đến cư ngụ. Họ sống chung với những người Israel còn được ở lại, từ sinh hoạt chung đó phát sinh một thứ tôn giáo pha trộn, không còn tinh tuyền nữa. Vì vậy mà sau này người Do thái rất ghét và khinh bỉ người Samari, coi họ là dân lai căng lạc đạo.
Miền Nam có phần tự hào hơn, nhưng cũng bị đế quốc Babylon của vua Nabucôđônoso xâm chiếm năm 598 TCN. Đến năm 587 TCN, Nabucôđônoso phá hủy bình địa Giêrusalem và Đền Thờ, bắt nhiều người đi lưu đày sang Babylon. Sử sách ghi lại tình cảnh người Do Thái bên Babylon có thể tóm gọn trong một câu: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion… Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại.” (Tv 137,1.4-5). Tưởng nhớ Sion nghĩa là hoài niệm về Đền Thờ, về quê cha đất tổ. Họ lại mơ đến cuộc hành hương về nhà của mình!
Về mặt chính trị, sau thời Nabucôđônoso (604-552), đế quốc Babylon bắt đầu suy thoái và tan rã, nhường chỗ cho đế quốc Ba Tư của vua Kyrô. Ông vua này có thiện cảm với người Do Thái, nhất là tôn trọng văn hóa và tôn giáo của họ. Năm 538 TCN, vua ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương. Thật may khi vua còn trao trả lại những vật dụng quí giá mà Nabucôđônoso đã lấy của Đền Thờ Giêrusalem. Hơn nữa, chính vua này đã tài trợ tiền để xây lại đền thờ. Vì nghĩa cử cao đẹp này mà vị ngôn sứ lừng danh thời này là Isaia đã gọi Kyrô là “Đấng Được Xức Dầu Của Thiên Chúa”, hay là “Mục Tử Của Thiên Chúa”, là người được Chúa chọn để cứu Dân Chúa. Dầu sao cuối cùng dân Chúa lại có nơi thờ phượng trên chính vùng đất hứa, nơi đền thờ thứ hai được khánh thành năm 515 TCN[3].
Chi tiết xin xem tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hanh-huong-thoi-cuu-uoc—phan-3-hanh-huong-len-den-thanh .
hdgmvietnam.com
Hành hương thời Cựu ước - Phần 3: Hành hương lên Đền Thánh
WHĐ (17/11/2024) - Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Trên đường đi, họ … Continue reading