JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
John Traynor, một người lính Anh bị thương trong Thế chiến I đến Lộ Đức năm 1923, chính thức trở thành người được phép lạ thứ 71 của Lộ Đức vào ngày 8/12/2024. Một phép lạ được công bố một thế kỷ sau khi ông được chữa lành.
Đền thánh Lộ Đức đã hân hoan chào đón vào ngày 8 tháng 12 năm 2024 lời tuyên bố chính thức sau khi chết về phép lạ thứ 71 được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Lộ Đức. Lời tuyên bố được đưa ra bởi Đức Tổng Giám mục giáo phận Liverpool, Đức cha Malcolm McMahon. Đó là việc chữa lành John Jack Traynor, người bị thương nặng trong Thế chiến I, xảy ra tại đền thánh Đức Mẹ vào năm 1923 nhân chuyến hành hương đầu tiên của giáo phận Liverpool.
Sinh ra ở Liverpool vào năm 1883, có mẹ là người Ireland, John Jack Traynor gia nhập Hải quân Hoàng gia khi bắt đầu Thế chiến I. Trước tiên, bị thương vào ngày 8 tháng 10 năm 1914 gần Antwerp (Bỉ), ông bị trúng đạn súng máy vào ngày 8 tháng 5 năm 1915 trong Trận Gallipoli (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ông đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật không thành công và cuối cùng mất khả năng sử dụng cánh tay phải và bị những cơn động kinh nghiêm trọng. Năm 1920, một bác sĩ phẫu thuật ở Liverpool đã cố gắng chữa trị bệnh động kinh bằng phương pháp khoan xương nhưng hậu quả thật thảm khốc là bị liệt một phần của cả hai chân. Tình trạng của ông cứ như thế đến mức vào đầu mùa hè năm 1923, “ông được chỉ định vào nhà tế bần dành cho những người bệnh nan y, nơi ông phải vào, vào ngày 24 tháng 7 năm 1923”, người ta có thể đọc trong biên bản chữa lành của Văn phòng Quan sát Y tế, có chữ ký của chủ tịch, Tiến sĩ Auguste Vallet, ngày 2 tháng 10 năm 1926.
Hành hương đến Lộ Đức năm 1923
Vào tháng 7 năm 1923, ông đến Lộ Đức nhân chuyến hành hương đầu tiên của Tổng Giáo phận Liverpool tới Đền Thánh này. Ông đã khỏi bệnh vào ngày 25 tháng 7, sau khi ngâm mình trong hồ nước của Đền Thánh và sau đó tham gia rước kiệu Thánh Thể và ban phép lành cho các bệnh nhân. Cùng ngày, các bác sĩ đi cùng chuyến hành hương đã ghi nhận tình trạng của ông. Ông rời Lộ Đức vào ngày hôm sau. Ông đến Văn phòng Báo cáo Y tế vào ngày 7 tháng 7 năm 1926 để tuyên bố việc mình được chữa lành.
John Traynor trở lại Lộ Đức hàng năm với tư cách là người khiêng cáng cho đến năm 1939. Ông là thành viên của “Hiệp hội người khiêng cáng Liverpool”. Ông được giới thiệu tại Vương quốc Anh với tư cách là người Công giáo Anh đầu tiên được chữa lành ở Lộ Đức. John Traynor cuối cùng đã được gọi về với Chúa vào ngày 8 tháng 12 năm 1943.
Khám phá lại hồ sơ lưu trữ
Tám thập niên sau, Đức cha Malcom Mc Mahon chính thức công bố phép lạ chữa lành người lính này, vốn đã được biết đến rộng rãi ở Liverpool với tư cách là người Công giáo Anh đầu tiên được chữa lành một cách kỳ diệu ở Lộ Đức. Thông cáo báo chí của Tòa Tổng Giám mục Livepool mô tả : “Chính nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc hành hương của chúng tôi đến Lộ Đức, vào năm 2023, mà Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc tế tại Lộ Đức (CMIL), Bác sĩ Alessandro de Franciscis, đã yêu cầu bác sĩ Kieran Moriarty, với tư cách là thành viên CMIL người Anh, đưa hồ sơ của John Traynor ra khỏi kho lưu trữ”.
Trên thực tế, báo cáo y tế về người lính này chưa bao giờ được chuyển đến Hội đồng Giám mục Anh. Bác sĩ de Franciscis nhiệt tình nói với nhật báo La Croix: “Điều này thể hiện những khó khăn sau chiến tranh và điều kiện làm việc tại Đền Thánh”. Sau một năm nghiên cứu và thảo luận với Đức cha Jean-Marc Micas, giám mục Tarbes và Lộ Đức, một ủy ban giáo luật đã họp vào ngày 29/11/2024 để cuối cùng xác nhận phép lạ.
Bác sĩ de Franciscis phản ứng đầy xúc động: “Thật vui khi thấy công việc của chúng tôi, với tư cách là các bác sĩ ở Lộ Đức, khá im lặng, kín ẩn và rất kiên nhẫn, mang lại kết quả. Đây cũng là tin vui cho toàn thể Lộ Đức! Đối với nhân sự đón tiếp của giáo phận, bên cạnh các bệnh nhân, tôi nghĩ đến các tình nguyện viên, đến tất cả các nhân viên bệnh viện… cho dù câu chuyện về Traynor đã cũ, nhưng nó vẫn là một nguồn khích lệ cho tất cả mọi người.”
Phép lạ lần thứ 70 được công nhận là vào năm 2018, với sự chữa lành của nữ tu Bernadette Moriau.
Tý Linh
(theo Aleteia và La Croix)