ĐỨC THÁNH CHA: THIẾU TÔN TRỌNG CÁC GIÁ TRỊ TÔN GIÁO SẼ ĐƯA ĐẾN BẤT BAO DUNG
Trong diễn văn trước các tham dự viên “Hội nghị Tất cả Tôn giáo”, Đức Thánh Cha nói rằng chân lý cơ bản chung giữa tất cả các tôn giáo đó là: “là con cái của một Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt trong tinh thần huynh đệ và hòa nhập, và chăm sóc lẫn nhau cũng như chăm sóc Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta”. Ngài nói rằng việc phớt lờ những giáo huấn như vậy là nguyên nhân gây ra sự bất bao dung…
Hội nghị được tổ chức bởi Tổ chức Sree Narayana Dharma Sangham, một tổ chức truyền bá khái niệm “Một đẳng cấp, một tôn giáo và một Thiên Chúa cho con người”, với sự hỗ trợ của Bộ Đối thoại Liên tôn, nhân kỷ niệm 100 năm “Hội nghị Tất cả Tôn giáo” lần đầu tiên được Sree Narayana Guru tổ chức, một sự kiện lịch sử trong cuộc đối thoại liên tôn ở Ấn Độ và Châu Á.
Hội nghị diễn ra tại Vatican trong hai ngày 29-30/11/2024, bao gồm các tham dự viên thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau đến từ Kerala, một bang ở miền nam Ấn Độ, và đến từ các nơi khác trên thế giới, có chủ đề: “Các tôn giáo cùng nhau vì một nhân loại tốt đẹp hơn”.
Tình trạng bất bao dung và thù hận ngày càng gia tăng
Đức Thánh Cha nhận định rằng chủ đề của Hội nghị có liên quan và quan trọng đối với thời đại của chúng ta. Ngài lưu ý rằng “thế giới ngày nay” thực sự nổi bật với “các trường hợp bất bao dung và thù hận ngày càng gia tăng giữa các dân tộc và quốc gia”. Ngài nhận xét rằng những trường hợp “phân biệt đối xử và loại trừ, căng thẳng và bạo lực” dựa trên “sự khác biệt về nguồn gốc sắc tộc hoặc xã hội, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo”, đã trở thành “một trải nghiệm hàng ngày đối với nhiều cá nhân và cộng đồng”, đặc biệt là đối với người nghèo, người không có khả năng tự vệ và người không có tiếng nói.
Thông điệp của Sree Narayana Guru
Nhắc đến di sản của Sree Narayana Guru, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “người hướng dẫn tâm linh” và “nhà cải cách xã hội” này đã dành cuộc đời để thúc đẩy sự thăng tiến xã hội và tôn giáo. Ngài nói rằng bằng cách phản đối hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ, Sree Narayana Guru đã truyền bá thông điệp rằng “tất cả con người, bất kể dân tộc hay truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ, đều là thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất”.
Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình thế giới và sự Chung sống, trong đó nói rõ rằng Thiên Chúa đã “tạo dựng tất cả con người bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và phẩm giá, và kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em”.
Chia sẻ những đặc điểm chung trong khi tôn trọng sự khác biệt
Đức Thánh Cha hy vọng tất cả “những người thiện chí” hợp tác để thúc đẩy một nền văn hóa “tôn trọng, phẩm giá, lòng trắc ẩn, hòa giải và liên đới huynh đệ”. Bằng cách rút ra từ những đặc điểm chung của họ, những người đại diện cho các tôn giáo khác nhau có thể “cùng nhau bước đi và làm việc để xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn”, trong khi vẫn “bám rễ vững chắc” vào “niềm tin” và “xác tín tôn giáo” của riêng họ. (CSR_5264_2024)
Nguồn: vaticannews.va/vi