HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC – PHẦN 2: TẠI SAO HÀNH HƯƠNG CẦN THÁNH LỄ?
WHĐ (13/01/2025) – Tại các địa điểm hành hương phải cung cấp nhiều phương tiện cứu rỗi phong phú hơn cho các tín hữu. Chẳng hạn Lời Chúa phải được công bố một cách cẩn thận; đời sống phụng vụ phải được phát huy một cách thích hợp, đặc biệt qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể và việc sám hối; và những hình thức đạo đức bình dân đã được phê duyệt phải được cổ vũ.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC
Phần 2: TẠI SAO HÀNH HƯƠNG CẦN THÁNH LỄ?
Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết Thánh lễ là đỉnh cao của đạo Công giáo, là nguồn mạch nuôi sống linh hồn. Ở góc độ hành hương, chúng ta cũng hiểu tại sao mỗi đoàn hành hương cần có linh mục dâng lễ. Hơn nữa điều này cũng được văn bản Giáo hội nhắn đến những nhóm hành hương:
“Tại các địa điểm hành hương phải cung cấp nhiều phương tiện cứu rỗi phong phú hơn cho các tín hữu. Chẳng hạn Lời Chúa phải được công bố một cách cẩn thận; đời sống phụng vụ phải được phát huy một cách thích hợp, đặc biệt qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể và việc sám hối; và những hình thức đạo đức bình dân đã được phê duyệt phải được cổ vũ” (Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 375).
Để hiểu được ý nghĩa nguyên thủy của Thánh lễ, chúng ta trở lại nơi chốn và thời gian Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể tại Nhà Tiệc Ly.
Vào thời Đức Giêsu, Nhà Tiệc Ly xa trung tâm của dinh Philatô, nhưng gần nhà thượng tế Cai Pha. Là thành ở trên cao nên không có nguồn nước dồi dào như các nơi dưới thung lũng quanh thành Giêrusalem. Nằm ở địa thế cao nhất xa trung tâm nội thành, trên ngọn núi Sion, người ta xây những căn nhà không chỉ cho khách hành hương mỗi khi về thành thánh, nhưng họ còn thiết kế những căn phòng rộng rãi ở trên lầu. Nơi đây các nhóm có thể ăn uống, hoặc sinh hoạt chung với nhau. Bởi đó khi chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, chính Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ đến chỗ này để dọn lễ Vượt Qua cho cả nhóm.
Theo truyền thống Kitô giáo, đây là phòng tiệc ly mà Đức Giêsu và các môn đệ ăn bữa Vượt Qua – bữa Tiệc Ly. Tên của căn phòng hiện nay được đặt theo La Tinh: Coenaculum nghĩa là phòng ăn tối, tiếng Anh là Upper Room hay Cenacle. Cũng theo Tin Mừng, trước ngày lễ ngũ tuần vì các môn đệ sợ người Do Thái, nên họ tụ họp tại phòng này, các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu phục sinh đầu tiên hiện ra với các ông tại phòng này, lần thứ hai cũng tại phòng này khi có mặt của Tôma (Ga 20,19-23). Đặc biệt đây cũng là nơi các môn đệ nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhờ đó họ bắt đầu nói được các tiếng khác nhau (Cv 2,1-4).
Phòng tiệc ly là một phần của nhà thờ “Holy Zion” hay cũng được gọi là Nhà thờ các tông đồ trên núi Sion, được xây năm 390. Thời thế kỷ 15-16, nơi đây cũng là khu vực dành cho những người nghèo hoặc những ai muốn tham dự thánh lễ theo nghi thức Rôma. Trước giờ ở đây do các cha dòng Phanxicô quản lý. Bởi đó, tháng 9 năm 1523, đoàn hành hương thánh địa của thánh I-nhã đến ở chỗ này. Như thánh nhân kể: “Đang khi về nhà trọ ông (I-nhã) cảm thấy ước ao viếng Núi Cây Dầu một lần chót trước khi ra đi, bởi vì Chúa không muốn ông ở lại Đất Thánh. Trên núi có một phiến đá Chúa đã đứng trước khi lên trời, ngày nay còn được thấy dấu chân của Chúa. Ông muốn trở lại coi dấu chân của Chúa. Không nói gì với ai và không nhờ người hướng dẫn, ông lén lút bỏ đám người hành hương và tới núi cây dầu một mình” (Tự Thuật số 47).
Về câu chuyện hành hương Đất Thánh, chúng ta sẽ kể ở chương sau liên quan đến hành hương thời Thập Tự chinh.
1. Những lần tiên báo cuộc khổ nạn
Nếu lật lại Tin Mừng, chúng ta đọc thấy Đức Giêsu ba lần tiên báo về cái chết đang chờ Ngài tại Giêrusalem. Nếu số “3” ám chỉ số nhiều thì chắc hẳn Đức Giêsu rất nhiều lần nói đến cuộc khổ nạn tại Giêrusalem. Bởi đó là biến cố quan trọng, vì giờ Thầy phải đau khổ, phải chịu chết là sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó cho Đức Giêsu, nên Ngài thường xuyên thổ lộ điều ấy cho các môn đệ của mình. Phần các ông vẫn chẳng thể hiểu Đức Giêsu muốn nói gì, vì điều ấy nằm ngoài suy luận, phán đoán của bất kỳ ai.
Quả thực, khi Đức Giêsu lặp lại nhiều lần về biến cố Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dạy, Đức Giêsu muốn các môn đệ can đảm để bước theo Ngài. Thầy muốn các ông hiểu rằng theo Thầy không chỉ được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, mà còn cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mc 10,30). Các ông chỉ thích hiểu vế đầu, còn phận ngược đãi, bị bách hại là điều các ông làm ngơ không hiểu.
Rồi việc gì đến cũng đến. Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu cùng các môn đệ dọn bữa và ăn tiệc ly cùng với nhau. Chỉ Thầy biết rõ đây là bữa ăn sau cùng, bởi giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (Ga 16,28). Nên trong bữa tiệc thân tình này, thầy Giêsu cho các môn đệ thấy Cuộc Khổ Nạn đang chờ Thầy ngoài kia: nội trong đêm nay người ta sẽ bắt Mục Tử và đàn chiên sẽ toán loạn.
Lúc chiều, Thầy dặn các ông đi chuẩn bị cho nhóm ăn…giaophanbaria.org
Hành hương thời Tân ước – Phần 2: Tại sao hành hương cần thánh lễ?
HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC - PHẦN 2: TẠI SAO HÀNH HƯƠNG CẦN THÁNH LỄ? WHĐ (13/01/2025) - Tại các địa điểm hành hương phải cung cấp nhiều phương tiện cứu rỗi phong phú hơn cho các tín hữu. Chẳng … Continue reading