• SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH

      Chu kỳ phụng vụ về ngày lễ Giáng Sinh đã được hình thành dần dần qua các thế kỷ, qua việc qua lại liên tục giữa các truyền thống Đông phương và Tây phương.

      SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH
      Christel Juquois
      Noel là ngày lễ phổ biến nhất của người Kitô hữu hôm nay. Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, nó không tồn tại. Chu kỳ Phụng vụ về ngày lễ Giáng Sinh đã được hình thành dần dần qua các thế kỷ, qua việc qua lại liên tục giữa các truyền thống Đông phương và Tây phương.

      Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, người ta chưa cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu. Người ta chỉ tưởng nhớ sự Phục Sinh của Ngài, mỗi năm một lần. Chỉ từ thế kỷ thứ IV, vào thời điểm có những tranh cãi ngày càng gay gắt về bản tính thần linh và nhân linh của Chúa Kitô, mới có nhu cầu mừng lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu, được định nghĩa là “người thật và Thiên Chúa thật”, cũng như mừng mầu nhiệm Nhập Thể.

      Các Tin Mừng không nói gì về ngày sinh của Chúa Giêsu. Ở Alexandria và nơi một số Giáo hội Đông phương, từ thế kỷ II người ta bắt đầu cử hành lễ Hiển Linh vào ngày 6/1. Phải chăng cần cử hành lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu vào ngày đó ? Đó là những gì mà Giáo hội Tông truyền Armênia vẫn còn thực hiện ngày nay. Ở Tây phương, nhiều ngày khác đã được đề nghị, và người ta thích ngày 25/12 hơn, đó là ngày Đông Chí theo lịch Julianô đang có hiệu lực vào thời đó.

      Quả thế, ngày đó là ngày lễ đối với nhiều tín ngưỡng phổ biến ở Đế quốc Rôma: chẳng hạn, người ta đã cử hành ở Rôma ngày sinh của thần Mithra, một vị thần đến từ Ba Tư, cũng như Sol invictus (Mặt Trời chiến thắng). Nơi các nước nói tiếng Đức, đó là ngày lễ Yule, trong đó thần Heimdall thưởng quà cho những đứa trẻ có hành động tốt.

      Đối với các Kitô hữu tuyên xưng Chúa Giêsu là “ánh sáng thế gian” (Ga 8, 12) và “Mặt trời công chính” (Ml 4, 2), ngày Đông Chí thắng thế dần dần. Việc cử hành được xác nhận lần đầu tiên về lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu, ngày 25/12, đã diễn ra ở Rôma vào năm 336.

      Noel, ngày lễ bắt buộc vào năm 506

      Vào thế kỷ IV, hoàng đế Constantin I (272-337) nắm quyền chỉ huy Đế quốc, và với chiếu chỉ Milan năm 313 ông đã thiết lập một kỷ nguyên hòa bình đối với Kitô giáo. Các cuộc hành hương Đất Thánh bắt đầu, trong đó, người ta tìm cách xác định những sự kiện khác nhau trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Các đền thánh được xây dựng.

      Vào năm 325, Constantin xin mẹ mình là bà Hêlêna, cho xây dựng ba vương cung thánh đường: vương cung thánh đường Anastasis (Phục Sinh) và Tử đạo (Mộ Thánh hiện nay), nơi được cho là ngôi mộ của Chúa Giêsu; vương cung thánh đường Eleona, ở nơi Chúa Lên Trời (hiện nay là nhà thờ Pater Noster trên núi Oliviers); cuối cùng, ở Bêlem, vương cung thánh đường Giáng Sinh, nơi Chúa Giêsu sinh ra.

      Trên mỗi địa điểm hành hương, một Phụng vụ được soạn thảo thích nghi với địa điểm và với sự kiện được cử hành, cũng như lịch Phụng vụ theo trình tự thời gian của các Tin Mừng, vốn sẽ ảnh hưởng việc thực hành của các Giáo hội khác. Suốt dòng thời gian, chu kỳ Noel bắt đầu. Mùa Vọng xuất hiện vào cuối thế kỷ IV, tương ứng với Mùa Chay đi trước lễ Phục Sinh. Từ sáu tuần lúc đầu, nó được cố định còn bốn tuần. Chu kỳ khép lại bằng lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, được cử hành vào tuần tiếp sau ngày 6/1, ngày lễ Chúa Hiển Linh.

      Vào năm 506, công đồng Agde biến lễ Noel thành một lễ bắt buộc. Vào năm 529, qua sắc lệnh của hoàng đế Justinô, ngày 25/12 trở thành ngày nghỉ việc. Lễ Giáng Sinh được mở rộng dần dần trong toàn Châu Âu. Nó đến Gaule vào thế kỷ VI, và đến các nước Slavơ vào thế kỷ X.

      Tý Linh chuyển ngữ từ La Croix
      Nguồn: xuanbichvietnam.net