CỬA THÁNH VÀ THỜI GIAN THÁNH
Vatican News – Trong tinh thần những ngày cận kề Năm Thánh, Nguyệt san “Phụ nữ Giáo hội Thế giới” của Báo Quan sát viên Roma, của tháng 12 này đã có một bài viết suy tư về ý nghĩa thần học và biểu tượng của Năm Thánh, trong đó nhấn mạnh rằng “không giống như giới lãnh đạo trong dân với hình ảnh sói đội lốt mục tử, Chúa Giêsu tự nhận là mục tử đích thực của đàn chiên, là người duy nhất có thể bước vào chuồng chiên qua cửa, nhưng ngay lập tức, Người lại tự nhận là cửa chuồng chiên”.
Ngày 24/12/2024, một vị Giáo hoàng lớn tuổi sẽ bước qua Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô, cần nhiều nỗ lực nhưng với quyết tâm. Cửa được gọi là “thánh” và đã được xây kín lại vào ngày bế mạc Năm Thánh ngoại thường, ngày 29/11/2015, dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II và được dành riêng cho lòng thương xót. Sức mạnh biểu tượng của cử chỉ này thật lớn lao: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đập phần tường được xây kín trước đó và bước vào Vương cung Thánh đường mà ngày nay đại diện trước tiên cho trung tâm của Giáo hội Công giáo. Không chỉ Đức Thánh Cha thực hiện cử chỉ này, nhưng tất cả mọi người đều được mời làm như ngài trong suốt năm. Bước qua Cửa Thánh, không chỉ về mặt thể lý, mà hơn nữa là trong sự hiệp thông với các ý chỉ của Năm Thánh.
Lần này, vì là một Năm Thánh thường lệ chứ không phải ngoại thường, cùng với Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô và ba Đền thờ khác ở Rôma, Đức Thánh Cha sẽ mở một cánh cửa khác, cửa nhà tù, một nơi mà chính vì không thể bước qua về mặt thể lý gợi lên một cách mạnh mẽ nhu cầu tự do.
Theo thực hành toàn xá của Do Thái, những lời của ngôn sứ Isaia, được Chúa Giêsu đề cập đến chính Người trong diễn từ khai mạc sứ vụ Mêsia trong hội đường Nazareth: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18). Với cử chỉ này và từ cánh cửa đó, Đức Thánh Cha và toàn thể Giáo hội không chỉ bước vào một không gian được nhìn nhận là thánh thiêng, nhưng còn là một thời gian thánh, một “năm ân sủng”.
Thánh hóa thời gian
Năm Thánh là một trong nhiều di sản mà Kitô giáo có được nhờ Do Thái giáo, đặc biệt tầm nhìn vĩ đại về thánh hóa thời gian. Đối với con người, thời gian cùng với không gian tượng trưng cho hoàn cảnh quan trọng một cách tuyệt hảo. Tuy nhiên, thời gian cũng làm cho con người khó chịu, bởi làm cho sự sống hao mòn và cái chết đến gần hơn. Với việc “phát minh” sabát, nghĩa là phân biệt giữa thời gian dành cho công việc của con người và thời gian dành cho Thiên Chúa, Israel thực hiện một hoạt động mang tính quyết định: con người không bị thời gian thống trị, nhưng chính họ thống trị thời gian khi nhận ra rằng Thiên Chúa là chủ thời gian bởi vì Người đã in sâu vào công trình sáng tạo của Người luật đan xen giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Nói tóm lại, có một người mạnh mẽ hơn thời gian và là người duy nhất có thể “chuộc lại” thời gian bởi vì với món quà sự sống bất tử, người ấy đã loại bỏ được “nọc độc” của nó khỏi cái chết, như Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu ở Côrintô (1Cr 15,55).
Ngày thứ bảy, ngày sabát, ngày nghỉ, cũng như năm sabát diễn ra bảy năm một lần, thánh hóa ngày, tuần và tháng, và sau đó, việc thiết lập năm toàn xá đã củng cố hơn nữa mô hình sabát bằng cách gắn chặt nó với một một khoảng thời gian dài hơn: “đất phải nghỉ một sabát kính Đức Chúa. Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, trong sáu năm, các ngươi sẽ tỉa vườn nho của các ngươi, và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sabát, một thời kỳ đất nghỉ, một sabát kính Đức Chúa […] Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò ; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó […]. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi (Lv 25, 1-12). Tóm lại, trong năm toàn xá, tất cả phải trở về cội nguồn, nghĩa là được trả về trong tay Thiên Chúa: đất đai nghỉ ngơi, nợ nần được tha và nô lệ được trả tự do và thời gian của lịch sử được thánh hóa.
Liệu Israel cổ xưa có tôn trọng quy định này hay không, hay liệu quy định chỉ đại diện cho ý tưởng của một mô hình xã hội, là chủ đề thảo luận giữa các học giả. Tuy nhiên, thực tế là Kitô giáo thời trung cổ và sau đó là Công giáo Roma đã đảm nhận quy tắc của Năm Thánh sau khi tâm linh hóa các đường nét của quy tắc này: việc tha thứ hậu quả của tội lỗi thay thế cho việc hoàn trả đất và lịch sử cho Thiên Chúa và do đó vai trò trung gian thiết yếu của Giáo hội nhằm đạt được ơn cứu độ đời đời, đã được khẳng định một cách mạnh mẽ. Như tác giả Thánh vịnh đã tiên báo, chính Thiên Chúa sẽ vượt qua những cánh cổng của thời gian để đến và cư trú trên trái đất: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào” (Tv 24.7) .
Tôi là cửa
Một thực tại, một ẩn dụ, một biểu tượng: cửa còn đề cập một cách mạnh mẽ hơn đến chiều kích quan trọng khác của Năm Thánh, đó là không gian để ở, có thể là nhà, thành phố, quốc gia hay cuộc sống. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra điều đó, nhưng hàng ngày chúng ta liên tục đi qua những cánh cửa, chúng ta mở và đóng cửa. Đó là những lính canh đảm bảo tính đa dạng của không gian và xác định các địa điểm, thiết lập bản đồ hành trình của chúng ta.
Dù to lớn hay nhẹ nhàng, bằng vàng của Điện Kremlin hay bằng vải của cửa lều trại tị nạn, những cánh cửa cũng là một ẩn dụ quan trọng về cuộc sống và tính hai mặt năng động của nó, bởi vì cửa đề cập đến những hành động quan trọng mà chất lượng thời gian và không gian mà nó diễn ra phụ thuộc: vào-ra hoặc mở-đóng hoặc đón tiếp-xua đuổi. Cuối cùng, vì lý do này, cửa có thể mang phẩm chất của một biểu tượng ngay cả trong bối cảnh tôn giáo, như được thể hiện qua tầm quan trọng của nó trong một trong những thời điểm mạnh mẽ đời sống của Giáo hội Công giáo, đó là Năm Thánh.
Việc khám phá ý nghĩa biểu tượng của “cửa thánh” cũng có thể bắt đầu từ Kinh Thánh. Bởi vì, là cuốn sách vĩ đại về Thiên Chúa ở với con người, Kinh Thánh có rất nhiều cửa, dù đánh dấu ngưỡng cửa nhà hay ngưỡng cửa thành phố, đều đề cập đến những nội dung thần học rõ ràng. Ở đây chúng ta chỉ có thể nhắc lại hai sự kiện từ Cựu Ước và một từ Tân Ước, những điều giúp chúng ta xác định những ý nghĩa thần học có thể có của cửa Năm Thánh.
Sau giấc mơ về chiếc thang ở trên mặt đất nhưng phần phía trên chạm tới trời và trên đó các thiên thần của Chúa lên xuống, tổ phụ Giacóp nhận ra rằng nơi mà ông được trải nghiệm về Chúa phải được thánh hiến, do đó biến đổi ý nghĩa thông thường của nó, trở thành một nơi hiện diện của Thiên Chúa, nghĩa là một nơi mà từ đó người ta có thể lên tới Trời Cao: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác” (St 28,17). Cửa nhà Chúa cho phép bước vào một không gian “khác”, nơi Chúa hiện diện, nơi những suy nghĩ trở thành “những thị kiến” tiết lộ ý nghĩa của những gì chúng ta đang sống. Như vậy, một cách ẩn dụ, sinh và tử là những cánh cửa từ đó con người bước vào cuộc sống và từ đó con người ra đi, và đối với Kinh Thánh, những cửa này được canh giữ, nghĩa là, chúng không xác định một cách máy móc lối đi giữa trước và sau, nhưng như Thánh vịnh gia, Thiên Chúa, đấng bảo vệ sự sống, “sẽ gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121,8).
Tuy nhiên, cửa cũng canh giữ lối đi giữa bên trong và bên ngoài, giữa nhu cầu thuộc về để cảm thấy được bảo vệ và nhu cầu tự do để kín múc sức sống. Vì lý do này, cách diễn đạt mang tính thần học sâu sắc nhất về trách nhiệm tượng trưng của cửa là điều mang tầm quan trọng về mặt Kitô học khi Chúa Giêsu đồng nhất cửa với chính Người.
Trong đoạn Tin Mừng Gioan, vừa gợi cảm xúc nhưng vừa phức tạp, Chúa Giêsu trước tiên tự nhận mình là mục tử đích thực của đàn chiên, bởi vì không như những nhà lãnh đạo dân là sói đội lốt mục tử, Chúa Giêsu là người duy nhất có thể đi vào chuồng chiên qua cửa, nhưng rồi ngay sau đó, Người tự nhận là cửa chuồng chiên: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ” (Ga 10,7). Như mọi khi, Chúa Giêsu chỉ tiết lộ căn tính Mêsia của Người cho những ai có khả năng đi vào bên trong bức ảnh, để nắm bắt được sức mạnh biểu tượng và tiềm năng của nó để chuyển thành một sự hiện thực hóa trên thực tế: đi qua Người, đàn chiên sẽ có thể ra ngoài mà không sợ hãi để tận hưởng đồng cỏ. Và chính nhờ đi qua Cửa này mà đàn chiên sẽ có thể quay trở lại để được bảo vệ khỏi bầy sói.
Khi Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Ân Sủng bằng cách bước qua Cửa Thánh vào đêm Giáng sinh, ngài cũng sẽ yêu cầu Giáo hội trở về với Thiên Chúa bằng cách đi qua cánh cửa duy nhất dẫn đến ơn cứu độ, cánh cửa đó là sự mặc khải mà Người Con đã thực hiện về Chúa Cha “Tôi là cửa: Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9).