GIÁO HỘI – NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA NIỀM HY VỌNG
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Đức Phanxicô mong muốn Giáo hội, người lữ hành của niềm hy vọng, phải làm cho thế giới này tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, tràn ngập ánh sáng tình yêu của Chúa, để mọi người hưởng được cuộc sống hạnh phúc đích thật, cho dẫu phải đối diện với bao nhiều thách đố Giáo hội không bỏ cuộc trong hành trình mang lại niềm hy vọng cho người thời đại.
WHĐ (04/12/2024) – Đức Giáo hoàng Phanxicô chính thức tuyên bố năm 2025 là Năm Thánh với sắc lệnh có tựa đề “Spes Non Confudit”, nghĩa là “Hy vọng không làm thất vọng”. Năm Thánh sẽ bắt đầu bằng việc mở Cửa Thánh của vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào Đêm Giáng sinh năm 2024. “Hy vọng cũng là thông điệp trung tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống lâu đời, Đức Giáo hoàng công bố cứ hai mươi lăm năm một lần”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong sắc lệnh của mình. “Tôi hướng suy nghĩ đến tất cả những ‘người hành hương hy vọng’ sẽ đến Rome để trải nghiệm Năm Thánh và đến tất cả những người khác, mặc dù không thể đến thăm thành phố của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng sẽ cử hành Năm Thánh tại các nhà thờ địa phương của họ”. Chủ đề của Năm Thánh là “Những người hành hương hy vọng” khi Đức Giáo hoàng kêu gọi tất cả người Công giáo đổi mới trong niềm hy vọng của Chúa Kitô, lấy thánh Phaolô tông đồ làm kim chỉ nam cho năm đặc biệt này. “Mọi người đều biết hy vọng là gì”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói. “Trong trái tim của mỗi người, hy vọng ngự trị như một khát khao và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến, mặc dù chúng ta không biết tương lai sẽ mang lại điều gì. Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về tương lai đôi khi có thể nảy sinh những cảm xúc mâu thuẫn, từ sự tin tưởng tự tin đến sự lo lắng, từ sự thanh thản đến sự lo lắng, từ niềm tin chắc chắn đến sự do dự và nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người nản lòng, bi quan và hoài nghi về tương lai, như thể không có gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc”. “Đối với tất cả chúng ta, xin Năm Thánh là cơ hội để đổi mới hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra lý do cho hy vọng đó. Lấy đó làm kim chỉ nam, chúng ta hãy quay trở lại với thông điệp mà thánh tông đồ Phaolô muốn truyền đạt cho các Kitô hữu ở Rome”, “Trong một thế giới lúc nào cũng hối hả, chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín”[1].
Việc khai mở Năm Thánh 2025, Đức Thánh cha muốn khơi bùng cháy lên ngọn lửa hy vọng được Chúa Thánh Thần đặt để trong Giáo hội, bởi Giáo hội được Chúa Thánh Thần qui tụ trong cùng một đức tin nên Giáo hội cũng là một cộng đoàn của niềm hy vọng, vì hy vọng là một phần của đức tin. Niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin Kitô giáo không hướng đến một điều gì mơ hồ, nhưng là hướng tới một thực tại tương lai, và thực tại đó như đang hiện diện trong lúc này. Đức Bênêđictô XVI trong Thông điệp Spe Salvi đã minh định: “Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân hướng về những điều sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: đức tin còn đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một ‘bằng chứng’ về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó ‘chưa đến’. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai”[2].
Do đó, Giáo hội hiện diện trên trần thế như những người lữ hành mang trong mình niềm hy vọng này, bởi theo Công đồng Vatican II, Giáo hội như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về nước Chúa hứa. “Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[3] Trong chiều hướng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên thế giới hãy trở thành những sứ giả vui mừng của hy vọng trong một thế giới đầy sợ hãi và tuyệt vọng. “Mỗi người chúng ta đều cần hy vọng trong cuộc sống của mình, đôi khi rất mệt mỏi và tổn thương, trái tim chúng ta khao khát sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp, và những giấc mơ mà không bóng tối nào có thể xua tan. Mọi thứ, bên trong và bên ngoài chúng ta, đều kêu gào hy vọng và tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi của Chúa, ngay cả khi không biết điều đó”[4].
Bài viết đầy đủ xin xem tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi—nguoi-lu-hanh-cua-niem-hy-vong .
hdgmvietnam.com
Giáo hội - Người lữ hành của niềm hy vọng
Đức Phanxicô mong muốn Giáo hội, người lữ hành của niềm hy vọng, phải làm cho thế giới này tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, … Continue reading