• THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
      NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2024

      Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

      Hướng về quý thầy cô trong ngày đặc biệt này, Ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi luôn nhớ đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô với các thành viên của Dòng Sư Huynh La San, thứ Bảy 21/05/2022. Trong đó, người nhấn mạnh rằng “các trường học Công giáo không nên chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo, mà còn trên thực tế…. nhà giáo dục Kitô giáo trước hết phải là những chứng nhân cho Tin Mừng”.

      Đọc bài diễn văn này, tôi liên tưởng đến sự hiện diện của quý thầy cô, những người đóng vai trò rất quan trọng trong cộng đồng giáo dục, một sứ mạng phải luôn được canh tân thường xuyên, để vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, nhưng cũng vừa phải bảo đảm căn tính Kitô giáo mà Giáo Hội đã ủy thác cho mình. Chính vì thế, theo Thánh Phaolô, những người được gọi là thầy, là cô thì “không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?” (2 Tim 2, 24-26). Từ những ước mong này, cùng với lời chào thân ái trong Ngày Nhà Giáo Việt Nam 2024, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ về vai trò của giáo dục Công giáo, một sự đồng hành đức tin rất quan trọng cho người trẻ trong thế giới hôm nay.

      1. Mục tiêu của giáo dục Kitô giáo

      Nhìn từ góc độ xã hội, việc giáo dục là không thể thiếu được cho sự phát triển và thăng tiến con người. Trong tiến trình này, sự đồng hành của quý thầy cô đóng vai trò thiết yếu, bởi vì giáo viên luôn là trung tâm của bất kỳ hệ thống giáo dục nào. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn lập lại rằng: bước chân của giáo dục Công giáo không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng, nhưng còn vươn đến các chân lý đức tin được mạc khải qua Chúa Giêsu Kitô. Thiết nghĩ rằng trong phạm vi của bức thư này, việc sử dụng các từ ngữ “trường đạo” và “trường đời”, sẽ có thể giúp chúng ta dễ hiểu hơn về mục tiêu của giáo dục Kitô giáo.

      Trong “trường đời” của ngày hôm nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều sẵn sàng đưa rước, không ngại chi phí, tranh thủ thời gian, tạo điều kiện để con cái được tham gia đầy đủ mọi sinh hoạt liên quan đến học vấn, ước mong cho chúng theo kịp bạn bè về kiến thức và kỹ năng, để chuẩn bị cho sự trưởng thành của con cái mình. Phần chúng ta trong “trường đạo”, song song với việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, chúng ta còn chia sẻ thêm những điều hay lẽ phải, dạy những chân lý đến từ Thiên Chúa. Hình ảnh của Môisen đứng trước mặt dân chúng đã trở nên thật đẹp cho phong cách và mục tiêu giáo dục Kitô giáo: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em…Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì… Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh” (x. Đnl 4, 1-6 ).

      Từ nền tảng thiết yếu này, trong dịp nói chuyện với các nhà giáo dục Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Giáo dục tốt nhất không phải chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là sống chứng nhân của những giá trị mà chúng ta giảng dạy” (24/05/2024). Chúng ta hãy trở thành những chứng nhân cho người trẻ hiện tại về các giá trị đức tin của mình. Biết rằng, trong thực tế, đôi lúc những giá trị mà Giáo Hội đóng góp, những bài học nhân văn Kitô giáo mà chúng ta đang muốn thông truyền, trở thành đối tượng cho những phán đoán của xã hội. Điều đó sẽ làm cho chúng ta phải dè dặt, ngại ngùng dấn thân. Hãy luôn nhớ rằng: người mẹ Giáo Hội vẫn luôn đồng hành và nói với chúng ta rằng bởi vì các chân lý đức tin và lý trí không bao giờ mâu thuẫn nhau.

      2. Chúa Giêsu Kitô, trọng tâm của giáo dục Kitô giáo

      Sau khi đã có những trải nghiệm nhất định về cuộc đời của Chúa Giêsu, liên kết với những chân lý được hình thành trong Cựu Ước, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã có những lời lẽ thật xác tín: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Những lời này cho phép chúng ta kết luận một cách chắc chắn rằng: Chúa Giêsu Kitô chính là trọng tâm của giáo dục Kitô giáo. Người cũng là vị thầy tốt nhất, và là điểm quy chiếu tất cả mọi chân lý đức tin Kitô Giáo, như lời Người đã tự giới thiệu về mình: “Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Xét về mặt lý luận, Chúa Giêsu đã là bậc thầy cao hơn các ngôn sứ lúc bấy giờ. Các nhà tiên tri là những người nhận và truyền tải thông điệp, còn Chúa Giêsu là Chúa của chúng ta, Ngài là người thừa kế mọi sự từ Chúa Cha, nên ai thấy Người là thấy Chúa Cha, ai nghe Người cũng là nghe Chúa Cha (x. Ga 14, 7-10). Một hình ảnh cũng tương tự vậy, các thầy cô giáo trường đời chỉ học và đọc tài liệu, sau đó giảng dạy lại tài liệu mà mình đã học cho sinh viên học sinh nghe. Với Chúa Giêsu thì khác, “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc 1, 22). Họ nói mà không làm, dạy mà không là chứng nhân cho những điều mình truyền đạt. Vậy, ta sẽ cùng học nơi Chúa Giêsu điều gì cho sứ mạng của giáo chức Công giáo hôm nay?

      Phúc Âm của Chúa chúng ta theo Thánh Gioan chương 15, đã cho thấy một mối liên hệ thầy trò vừa gần gũi vừa sâu sắc giữa Chúa Giêsu và các môn sinh của mình. Người không ở bên cạnh các môn đệ như một người thầy chỉ để truyền đạt kiến thức, nhưng là một sự đồng hành trọn vẹn nhất trong tất cả các mối tương quan xã hội. Bởi đó mà tôi nghĩ rằng, chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể cảm nhận đủ để nói với các môn sinh: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Có thể chúng ta chưa được chứng kiến một sự hy sinh cao cả như vậy trong môi trường giáo dục, nhưng hình ảnh và cung cách ứng xử của Chúa Giêsu, luôn trở thành những câu hỏi cho sứ mạng giáo dục của chúng ta: tôi đã tận tâm tận lực cho các học trò của mình như thế nào ? Tôi đã cống hiến ra sao khi thi hành sứ mạng giáo dục ? Tôi có luôn ý thức rằng những chia sẻ của tôi hôm nay sẽ góp phần rất lớn cho hạnh phúc của các học sinh sau này không ? Thánh Gioan Bosco, một nhà sư phạm Công giáo nổi tiếng, đã nhấn mạnh: “Giáo dục là việc của con tim”. Khi gặp gỡ các nhà giáo dục ngày 31/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khích lệ : hãy luôn giáo dục bằng tình yêu thương và hãy nhìn người trẻ bằng cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề này cho những lá thư năm sau.

      3. Tâm tình gửi Quý Thầy Cô

      Công việc nào cũng luôn có những khó khăn, sứ mạng nào cũng bao hàm những trở ngại, dù không phải là chủ quan. Chẳng hạn, sau ngày khai giảng thật vui tươi, nước lũ đột ngột dâng lên đã làm gián đoạn việc học tập cho gần 3.000 học sinh của thành phố Biên Hòa (Báo Tuổi trẻ ngày 29.10.2024). Chắc chắn rằng, những khó khăn ngoại tại như vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình giáo dục của thầy lẫn trò. Tuy nhiên, vẫn còn một khó khăn nội tại, ẩn mình trong rất nhiều nguyên nhân mà ta luôn thấy là hợp lý, để dẫn đến một tình trạng lơ là và cẩu thả trong việc giáo dục, mà hệ quả của nó là một sự nguy hiểm nghiêm trọng: – Giáo viên lơ là thì học sinh nghèo nàn kiến thức, kỹ năng và đạo đức con người. – Học sinh thiếu nghiêm túc trong việc học tập thì lãng phí thời gian và công sức của thầy cô, gia đình và cả bản thân. Bởi đó, trong ngày cả nước hướng về giáo viên với lòng kính trọng và biết ơn, cũng thật là một dịp đáng quý để chúng ta chia sẻ với nhau về tinh thần phải có, mà Giáo Hội luôn ước mong nơi những ai đang thi hành sứ vụ cao cả này.

      Tài chánh vẫn luôn cần phải có để chăm lo cuộc sống, nhưng thật là cảm kích, khi nhận thấy nơi nhiều người thầy cô giáo, dường như không đến với các môn sinh vì đồng lương, mà tận tình vì lòng yêu mến và một trách nhiệm nghiêm túc. Vai trò của giáo viên là giúp học sinh phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy sáng tạo, giao tiếp và làm việc theo nhóm, nhưng nơi “trường đạo” chúng ta, giáo viên còn dạy về Chúa và giáo lý của Người. Các chân lý đức tin sẽ được truyền đạt bằng những nghiệm sống đạo hàng ngày của mình. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô nói về vai trò của thầy cô rất quan trọng: “Bằng cách đi theo Chúa Kitô, bằng cách bước đi cùng với Người, cuộc sống của chúng ta được biến đổi, và đến lượt chúng ta trở thành men, muối và ánh sáng” (x. Diễn văn trích dẫn ở trên, 21/05/2022).

      Với các con học sinh và sinh viên thân mến, trong văn hóa sâu đậm của chữ Hiếu, ngày Nhà Giáo Việt Nam luôn là một ngày sống động và thiết thực cho nghĩa tình thầy trò. Trong tiến trình phát triển bản thân, sự hiện diện của quý thầy cô là rất quan trọng. Tác giả tập sách Khôn Ngoan đã mô tả về tương quan ấy như thế này: “Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong sinh lộ, kẻ khinh lời sửa dạy ắt sẽ bị lạc đường” (Cn 10, 17). Vậy, các con hãy trao tặng cho quý thầy cô của mình những cành hoa của lòng biết ơn, những món quà biểu lộ sự kính trọng nhất của mình, cha tin rằng, đó là điều đẹp lòng Chúa.

      Quý Thầy Cô thân mến,

      Chủ đề Năm Mục Vụ 2024 của Giáo hội Việt Nam là “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội”. Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi lời chào thăm và chúc mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 2024 đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước. Mến chúc quý “giáo chức và tất cả những ai tham gia một cách nào đó vào việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên, phải dạy chúng làm sao để một khi nhận biết mối bận tâm của Chúa đối với đoàn chiên Người, cũng như khi nhìn đến những nhu cầu của Giáo Hội, họ sẵn sàng quảng đại đáp lại lời Chúa gọi, như tiên tri xưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8)” (Sắc Lệnh Chức Vụ và Đời Sống các Linh Mục, số 11).

      Thân ái trong Chúa Kitô.

      Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2024.

      + Phêrô Huỳnh Văn Hai
      Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
      Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo