Ngày 09/03: Thánh Phanxica Rômana, quả phụ nữ tu (1384–1440)

Ngày 9 tháng 3
THÁNH PHANXICA RÔMA – NỮ TU (1384 – 1440)
Ngày 09/03

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Thánh nữ Phanxica Rôma (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.

Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Phanxica sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.

Dù rất tất bật trong gia đình, Phanxica cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chích đời sống của Bà.

Khi chồng qua đời, Phanxica bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđictô, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.

Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Phanxica sống rất mật thiết với Thiên Thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.”

Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1608.

Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên Thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.(Enzo Lodi)

II. BÀI HỌC

Người Rôma rất kính trọng thánh nữ Phanxica vì Bà đã có “một đời sống gương mẫu trong hôn nhân và sau đó là đời sống của một nữ tu”. Làm sao để một con người với hai chức năng quan trọng như thế có thể hoàn thành xuất sắc được bổn phận của mình ? Hay nói một cách dễ hiểu hơn là động lực nào đã giúp Phanxica chu toàn được hai bổn phận đó ?

Chiêm ngắm cuộc đời của thánh Phanxica, anh em trong nhóm Phụng vụ Giờ Kinh đã cho chúng ta câu trả lời. Đó là tình yêu. Tình yêu đã mang lại sức mạnh khôn lường cho Phanxica để bà có thể dễ dàng hoàn thành một cách xuất sắc tất cả mọi việc trong cuộc sống bổn phận của mình cũng như đem lại nhiều công chính cho con người chúng ta. Tất cả chỉ vì tình yêu.

Chúng hãy xin Chúa ban cho chúng ta một lòng yêu mến thiết tha để chúng ta có thể gắn bó với Chúa trọn vẹn cuộc đời của chúng ta và làm cho cuộc sống mỗi người chúng có nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn.

Một bà kia không hề biết đến sự yêu thương của đồng loại. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị bạc đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo:

– Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn cứ canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngãi cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông Đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn còn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha trở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt:

– Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa.

Một giáo sư lớp xã hội học đưa các sinh viên tới khu ổ chuột Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 bé trai. Qua các câu hỏi để làm bản lượng giá về tương lai các em, các sinh viên đều nhận định về từng em: “Không có hy vọng tiến thân!”

Hai mươi lăm năm sau, một giáo sư xã hội học khác anh có đọc qua bản nghiên cứu trước đây. Ông cho các sinh viên triển khai đề tài và tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho những bé trai này. Trừ 20 em đã đi nơi khác hay đã chết, các sinh viên thấy 176 trong số 180 em còn lại đã thành đạt, trở nên những luật sư bác sĩ và thương gia…

Giáo sư rất ngạc nhiên và quyết định tìm hiểu vấn đề sâu xa hơn. May mắn thay, các đối tượng đều ở trong vùng đó nên ông có thể hỏi từng người:

– Xin bạn cho biết lý do sự thành công của bạn.

Mọi người đều trả lời trong xúc động:

– Chúng tôi đã đạt tới thành công nhờ tình thương của một vị thầy.

Vị thầy đó vẫn còn sống. Đó là một bà lão tuy già nhưng vẫn còn minh mẫn. Giáo sư hỏi bà đã dùng phương thức thần diệu nào để kéo những bé trai đó ra khỏi khu ổ chuột và đạt được thành công như vậy.

Đôi mắt bà lão sáng lấp lánh và một nụ cười tươi nở trên môi, bà nói:

– Thật là đơn giản, tôi đã thương yêu bọn chúng ?

Related Articles