Ngày 3/7: Thánh Phi-líp-phê Phan Văn Minh – Linh mục (1815-1853)

Cậu bé mồ côi

Cậu Phi-líp-phê Phan Văn Minh sinh năm 1815 ở làng Cái Mơn, quận Mỏ Cầy, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình đạo đức. Thời cấm cách Cái Mơn là một xứ đạo rất thời danh, bổn đạo đông, sốt sắng đạo đức vững vàng, có lòng kính mến các đấng, dù vua ra sắc cấm đạo rất ngặt, đe phạt các nhà chứa đạo trưởng, họ cũng không sợ, một lo lắng giấu các Cha cẩn thận hơn. Cha cậu là ông Đa minh Phạm Văn Đức và mẹ là bà An – na Tiếu, cả hai là người đạo đức tốt lành. Ông bà sinh được mười bốn người con, cậu Minh là con thứ mười hai, song hai ông bà mất sớm từ khi cậu Minh còn nhỏ, vì chị cậu là người khôn ngoan tháo vát lo liệu cho các em, nên cậu Minh không phải vất vả như các trẻ em mồ côi khác, cậu được đi học từ bé.

Cậu ngoan ngoãn, hiền lành, thông minh, năm 13 tuổi, được rước lễ lần đầu. Năm ấy Đức Cha Ta-be (1) (Từ) đến làm phép Thêm sức cho họ Cái Mơn, cậu Minh đến chào Đức Cha và xin đi theo Người, Đức Cha thấy cậu bé nết na thông minh thì cho cậu vào chủng viện Lái Thiêu ở với (1) Taberd.

Đức Cha cho đến khi cơn bắt đạo nổi lên khiến Đức Cha phải ra khỏi miền Nam.

Du học

Ngày 6-1-1833, vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo trong cả nước, dạy triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ, bắt bổn đạo phải xuất giáo, ai không tuân phải phạt nặng, lùng bắt các đạo trưởng Tây, đạo trưởng Nam. Các đạo trưởng ngoại quốc phải giải về kinh, còn các đạo trưởng bản xứ phải giam ngặt, không được cho ai đến thăm.

Trong cơn giông tố đó, trường Lái Thiêu bị vây, Đức Cha Ta-be bị bắt giam để chờ ngày giải về kinh, nhưng Đức Cha trốn thoát sang Thái Lan cùng với một số học sinh trong đó có chú Minh, tiện dịp Đức Cha gửi tất cả đến Đại chủng viện Pê-năng.

Sau Thày Minh lại theo Đức Cha Ta-be đi Can-cút-ta[1] (Ấn độ) để giúp Người làm tự điển Việt-La và La-Việt. Công việc vừa mới hoàn thành thì Đức Cha qua đời ngày 17-6-1840. Thày Minh trở về Pê-năng tiếp tục học.

Trong trường, Thày Minh là một sinh viên xuất sắc, luôn đứng đầu lớp, thày lại có đức hạnh, được các Cha giáo và các bạn học quý mến tin tưởng, thày chuyên lo tập luyện nhân đức cho xứng với chức vụ cao trọng của mình, thày đã đáp lại tiếng gọi của Chúa cách hăng say, đầy tình mến, nên Chúa đã dành cho Thày vinh dự cao sang: Thày là linh mục tử đạo đầu tiên của trường Pê-năng.

Hồi hương

Học xong thày trở về quê hương giúp việc truyền giáo. Vua Minh Mệnh đã qua đời, vua Thiệu Trị lên thay vẫn duy trì sắc chỉ cấm đạo. Đức Cha Lơ-phe (1) (Ngãi) bị bắt ở họ Cái Nhum vào cuối tháng 10-1844 và phải giải về kinh, bị kết án trảm quyết, nhưng vua chưa kịp châu phê thì tầu Pháp đến Cửa Hàn, vua trao trả Đức Cha, Đức Cha trở về Sanh-ga-po để tìm dịp vào Miền Nam.

Thày Minh về nước, đến ở với Đức Cha Quy-ê-nô[2] (Thể) giám mục chính coi sóc địa phận Đàng Trong. Ở đây thày học Lễ nhạc, các phép Bí tích và luật lệ trong địa phận, rồi Đức Cha truyền các chức nhỏ cho thày.

Khi Toà Thánh chia địa phận Đàng Trong ra làm hai, Đức Cha Quy-ê-nô gửi Thày Minh về quê thày ở địa phận Tây Đàng Trong thuộc quyền Đức Cha Lơ-phe. Thày chưa kịp gặp Đức Cha vì Đức Cha lại phải bắt lần thứ hai và bị giam ở Huế, cố chính Mi-sơ[3] (Mịch), sau chịu chức giám mục, sai thày vào Huế xin ý kiến của Đức Cha, vì địa phận có ít thày cả. Đức Cha Lơ-phe gửi thư xin Đức Cha Quy-ê-nô phong chức linh mục cho thày. Năm 1846, thày Minh bước lên bàn thánh, khi ấy thày đã 31 tuổi.

Cha Minh thi hành sứ mệnh tông đồ

Đức Cha giao cho vị tân linh mục, một khu vực rộng lớn từ xứ Nam Vang cho tới xứ Mặc Bắc, vì Cha còn trẻ, lại sốt sắng nhân đức, thông minh, được huấn luyện cẩn thận, nên có đủ khả năng coi sóc bổn đạo. Cha còn phải đi các nơi làm phép Thêm sức vì Đức Cha Lơ-phe tuy được tha nhưng phải trốn ẩn.

Cha Minh lúc nào cũng chỉ lo làm sáng danh Chúa và cứu linh hồn người ta. Cha vâng lời cách trọn hảo dù Cha biết công việc bề trên trao phó cho mình rất nặng nề, vì tuy đang cơn cấm đạo ngặt, quan quân lùng bắt đạo trưởng khắp nơi, Cha Minh còn trẻ, chưa quen công việc, lang thang nay đây mai đó dễ bị sa lưới, nhưng Cha không quản ngại, sáu năm trời Cha ngược xuôi qua các xứ: Tiền Giang, Hậu Giang, Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Bảng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giông Rùm, Thân Rân, Rạch Rập, Chà Và, Rạch Ụ, Cái Đôi, Mặc Bắc … đến được đâu là Cha đi ngay.

Tới nơi, nào, việc đầu tiên là Cha lo dạy dỗ các người chịu phép Thêm sức, giúp họ xứng đáng lĩnh nhận ơn trọng này, Cha còn chịu khó giải tội, làm các phép Bí tích, giảng giải, an ủi những người nhát sợ, không tiếc công tiếc sức. Cha ăn ở hiền từ, mọi người tôn kính Cha như đấng thánh. Cha lo lắng tìm những trẻ em đức hạnh thông minh, tập luyện dạy dỗ các em để sau các em trở nên những tông đồ nhiệt thành mở Nước Chúa cho thế hệ tương lai.

Cha Minh bị bắt

Ngày 4-11-1847, vua Thiệu Trị qua đời, vua Tự Đức là con thứ lên nối ngôi ra chiếu chỉ ân xá cho các tù nhân, những người bị lưu đầy được về quê quán. Giáo Hội hy vọng một tương lai sáng sủa hơn; nhưng rồi tình thế lại thay đổi hẳn, vua Tự Đức tính nết hiền hoà, bị nhiều người xui xiểm, vua căm ghét đạo Gia-tô và có những kế hoạch dã man để tiêu diệt đạo, nên người ta đã ví vua như vua Nê-rông thời đế quốc La Mã. Lên ngôi chưa được một năm, tháng 8 năm 1848, vua hạ chiếu chỉ cấp tốc thi hành. Các Tây dương đạo trưởng phải buông sông, các đạo trưởng Việt Nam phải kìm kẹp, bổn đạo phải lưu đầy.

Ngày 21-3-1851, vua lại ra chiếu chỉ khác dữ tợn hơn: Các Tây dương đạo trưởng phải giảo hình, trảm quyết, quăng đầu xuống sông xuống biển; các đạo trưởng Việt Nam dù khóa quá cũng phải án phân thây. Ai báo hay nộp các Tây dương đạo trưởng được thưởng tám nén bạc và một nửa tài sản của nhà chứa đạo trưởng ấy (còn nửa kia nhập kho). Ai chứa Tây dương đạo trưởng phải phây thây, bỏ xuống sông, con cái phải lưu đầy phương xa.

Trong cơn giông tố nguy hiểm ấy, Cha Minh vẫn làm việc bổn phận như thường; cuối năm 1852, cố chính Bộ-ren[4] (Hoà) ẩn ở Cái Nhum nghe tin có người tố cáo Cha Minh với quan tỉnh, nên dạy Cha Minh phải đi ngay đến Mặc Bắc thay Cha Lựu. Bề trên muốn cứu Cha, nhưng Chúa quan phòng lại định thể khác, triều thiên tử đạo vinh quang đang chờ đón Cha ở đây, của lễ toàn thiêu trong sạch đã sẵn sàng dâng kính Chúa như lòng Cha mơ ước bấy lâu.

Về Mặc Bắc, Cha ở nhà ông Trùm Lựu là một gia đình đạo đức, được các Cha tín nhiệm, là nơi các ngài quen trốn ẩn, Cha Lựu đang xây nhà dòng ở đất ông Trùm Lưu dâng, công việc chưa xong, Cha Lựu đổi coi xứ Ba Giồng, Cha Minh đến lo hoàn tất mọi việc.

Trong xứ Mặc Bắc có ông Bếp Nhẫn có đạo nhưng ngang ngược, xấu nết, rượu chè cờ bạc. Cha Lựu đã nhiều lần quở trách ông nặng lời, ông này để lòng oán thù Cha. Lần kia ông đến xin Cha giúp một trăm quan để lo việc cửa nhà cho êm xuôi rồi ăn năn sửa mình, Cha Lựu đang sửa nhà dòng, không có tiền, ông tức giận quyết nộp Cha để lấy tiền thưởng. Ông bàn với ông xã Hiệp và ông Lý Vắp, hai ông Bếp Nhẫn và Lý Vắp thì tham tiền, còn ông xã Hiệp tham chức tước mà làng không cho nên muốn trả thù.

Nghe tin báo, quan kéo quân về vây làng Mặc Bắc từ tối. Cha Minh và mấy chú bé đang cầu nguyện suy ngắm, bỗng ở ngoài có tiếng hô to, rồi tiếp theo là ba phát súng hoả mai, Cha Minh biết có sự chẳng lành, Cha đến bàn thờ cầu nguyện cho mọi người can đảm giữ vững đức tin.

Lính tráng đập cửa, phá tường gọi ẩm ĩ: “Đạo trưởng Lựu đâu?” (Họ tưởng Cha Lựu ở đây). Ông Trùm Lựu ra đón họ nói: “Thưa quan không có đạo trưởng, chỉ có tôi ở đây tên là Lựu”. Thấy ông, quan biết không phải là đạo trưởng nhưng cứ hô trói, hò hét om sòm để tìm ra đạo trưởng, gặp ai trong nhà, họ cũng bắt trói.

Cha Minh ẩn trong phòng thấy thế, lo cho gia đình ông Trùm nên ra mặt nói: “Tôi là đạo trưởng đây, các ông muốn bắt hay tha tuỳ ý, nhưng xin đừng làm hại chủ nhà”. Lính nhìn Cha nói: “Ông này như thằng nghiện, không biết có phải là đạo trưởng không?” Quan nghi ngờ cho đòi ông Bếp Nhẫn đến hỏi thì ông này làm chứng chính Cha là đạo trưởng. Quan truyền trói Cha ngồi đó cắt lính canh, rồi lục soát trong nhà tịch thu các đồ lễ. Sáng hôm sau, ngoài Cha Minh và ông Trùm Lựu, quan bắt thêm một số các người làm việc trong làng là các ông Xã Kim, Hương Sỹ, Tổng Trị, Thủ Quyền, Lý Oai, Danh Nhiên (ông này là con ông Trùm Lựu), đóng gông đưa xuống thuyền giải về tỉnh Vĩnh Long, hôm ấy là ngày 27- 2-1852.

Cha Minh xưng đạo trước công đường

Đến Vĩnh Long, trước khi bị tống giam, các tù nhân phải trình diện trước mặt quan ở dinh Tổng đốc, họ phải đứng giữa trời nắng có hai mươi lính canh gác. Các quan thấy Cha điềm tĩnh, vui vẻ, nghiêm trang không chút sợ hãi, lại lễ phép lịch sự, thì tôn kính. Quan hỏi Cha: “Ông tên là gì?”. Cha thưa: Tôi là Phan Văn Minh”.

– Quê ông ở đâu?

+ Tôi quê ở Cái Mơn. Cha mẹ tôi mất sớm từ khi tôi còn nhỏ.

– Ông có xuất ngoại không?

+ Có, tôi đi học bảy năm.

– Năm nay ông bao nhiêu tuổi?

+ Tôi ba mươi tám tuổi.

– Ông đi những nơi nào và ở đâu?

+ Tôi nay đây mai đó đi giảng cho người ta làm lành lánh dữ, không nhất định ở nơi nào.

– Các đồ đạo này của ai? Có phải của ông không?

+ Các đồ đạo này của tôi.

– Ông có biết các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Nam ở đâu không?

+ Thưa quan, tôi chỉ nói việc của tôi, còn việc người khác tôi không được phép nói.

Quan giận lắm, song cố nén lại để dỗ Cha theo ý mình. Quan bảo Cha rằng: “Ông còn trẻ, giỏi giang, thông thái, đừng làm đạo trưởng nữa, tôi sẽ tâu vua cho ông làm quan, được sung sướng danh giá”. Cha thưa: “Tôi không khóa quá, dù phải gông cùm tra tấn, tôi vẫn kiên quyết. Tôi là đạo trưởng, mà khóa quá thì còn ai theo đạo nữa”.

Quan lại bảo: “Ông xuất giáo rồi tôi cho về làm thuốc kiếm ăn”. Cha can đảm thưa: “Tôi không khóa quá, tôi sẵn sàng chịu chết”.

Tra hỏi xong, lính dẫn Cha Minh và những người bị bắt về giam ở trại Vĩnh Tiền gần dinh Tổng đốc.

Một tuần lễ đầu, ngày nào Cha Minh cũng phải tra hỏi, các quan thấy Cha nói năng khôn ngoan lịch thiệp thì quý mến nên cố gắng dỗ dành để Cha khóa quá hay ít là giả vờ khóa quá để các quan có cớ mà tha, các quan còn cho người vào trong tù khuyên giục để Cha xiêu lòng, nhưng Cha cứ một mực vững vàng, không nao núng trước bao cực hình, cũng không xiêu long vì những lời thân tình ngọt ngào. Một lần quan truyền cho lính đặt cây Thánh giá lớn ở giữa sân bắt Cha bước qua, Cha nhất định từ chối. Quan hỏi rằng: “Tại sao không dám bước qua?” Cha thưa: “Phép đạo dạy tôi phải tôn thờ ảnh này, lẽ nào tôi dám dày đạp, xin quan tha sự ấy cho tôi”. Vừa nghe xong quan Tổng đốc quát rằng: “Lính đâu, kéo nó qua ảnh”. Lính xô đến cầm gông Cha, kéo qua ảnh, cha co chân lên và kêu to: “Tôi không khóa quá…tôi không đạp ảnh”. Trước tinh thần cương quyết bất khuất của Cha, lính đành bỏ Cha ở lại giữa sân.

Cuối cùng, quan nghĩ ra một kế rất hay tưởng có thể thuyết phục nổi Cha. Quan bảo Cha: “Nếu ông nhận đã xuất giáo thì tôi cũng tha cho ông”. Cha Minh thưa: “Cám ơn quan, tôi không thể nhận được”.

– Hay ít là ông không nhận mình là đạo trưởng.

+ Thưa quan, cũng không thế được, tội ấy rất nặng, là tội phản bội với Chúa mình.

Quan vẫn chưa chịu thưa nên nói rằng: “Đã vậy thì thôi, ít nữa là ông nhận những đồ đạo này của Tây dương đạo trưởng đưa cho ông giữ khi ông ấy bị bất, nếu ông bằng lòng khai như thế, tôi sẽ tha cho về nhà làm án”. Cha đáp rằng: “Thưa quan, như thế là gian dối, tôi thà chịu chết còn hơn khai man”. Quan nối giận quát Cha rằng: “Thằng dại, chẳng chịu nghe lời ta bênh đỡ cho thì thôi, mặc mày”.

Các quan truyền giam Cha vào trại Tuyển Phong để chờ án từ hình từ kinh ra.

Ở trong tù, đầu tiên Cha phải mang gông, sau lại phải đeo xiềng, nhưng Cha văn khuyên nhủ các bạn tù chịu khó bằng lòng, Cha cũng có lo liệu chạy tiền để họ được tha vì Cha sợ các ông bị tra khảo nhiều sẽ ngã lòng khóa quá, nhưmg các quan bảo nếu không bằng lòng khóa quá thì đừng lo chạy tiền vì quan không thể tha được, nên Cha an ủi các ông và phó mọi sự trong tay Chúa.

Cha cũng khuyên các ông tha cho kẻ làm khổ mình và cầu nguyện cho họ, chính Cha làm gương ấy trước hết. Ở Cái Nhum nghe tin ông Bếp Nhẫn nộp Cha, bổn đạo định trả thù, nhưng Cha hết sức can gián và vì nể Cha, họ đã tha. Một hôm ông Bếp Nhân vào tù xin Cha tha vì ông có ý nộp Cha Lựu, chẳng những Cha tha cho ông, lại an ủi khuyên ông quay về đàng lành. Có lần kia ông Bếp Nhẫn đưa hai ông xã Hiệp và Lý Vấp vào xin Cha và các ông đang bị giam cho ông ba mươi quan tiền, họ tức giận mắng chúng lại muốn đánh chúng một trận, Cha can và bảo các ông rằng: “Ta phải tha cho kẻ làm khổ ta để nên giống Chúa xưa khi chết trên Thánh Giá, các ông có tiền hãy cho họ và cầu nguyện cho họ”. Các ông này giận lắm nhưng cũng vâng lời Cha. Nhờ gương sáng ấy sau này ông Bếp Nhẫn ăn năn trở lại giữ đạo hẳn hoi.

Các quan thương Cha nên để người ta tự do vào thăm. Cha nhờ dịp ấy giải tội cho họ. Một hai lần người ta mang cả bệnh nhân đến xin Cha làm phép Xức dầu, Cha cũng rửa tội cho một số người ngoại, cả người lớn cả trẻ nhỏ.

Ai vào thăm Cha lúc nào cũng thấy Cha vui vẻ, không tỏ dấu hiệu buồn rầu, không phàn nàn gì cả, lại thường an ủi những người đến thăm, khuyên họ cám ơn Chúa đã ban cho Cha được phúc mang gông xiềng vì Chúa.

Vải bông đẫm máu trên pháp trường Đình Khao

Hồi ấy theo sắc cấm đạo của vua Tự Đức dạy phân thây các linh mục bản xứ, nhưng lệnh ấy chưa đến tỉnh Vĩnh Long, nên các quan cứ chiếu theo lệnh vua Minh Mệnh xử Cha phải lưu đầy biệt xứ ở tỉnh Sơn Tây, án chuyển về kinh, bộ hình đổi thành án Tây dương đạo trưởng, vì Cha Minh đã đi học ngoại quốc, dạy phải trảm quyết quăng đầu xuống sông, vua châu phê y án, chỉ bắt đổi chữ “Minh” thành “Phỉ Nhật”.

Chiều thứ bảy án tới Vĩnh Long, hôm sau là chủ nhật, không ai được vào thăm Cha như thường lệ, cũng không mở cửa tù cho phạm nhân đi lại. Thấy thế Cha biết cuộc sống trần gian sắp kết liễu, Cha quỳ gối cầu nguyện dâng mạng sống mình để cho danh Chúa được cả sáng, Cha an ủi nâng đỡ, khích lệ họ nơi tù ngục, Cha khuyên họ giữ vững đức tin, trung thành theo Chúa đến cùng, rổi Cha con sẽ được gặp nhau trên Nước Trời.

Quan Giám sát đem một toán quân đến giải Cha lên công đường gặp quan Tổng đốc lần cuối cùng. Cha mặc áo ngoài, lần hạt liên tục, bước đi vui tươi nhanh nhẹn dù phải trói rất chặt.

Quan nói rằng: “Lính đâu, đưa thẻ án để ông này đọc”. Cha đáp: “Thưa quan lớn, tôi không cần phải xem thẻ án, vì tôi đã sẵn sàng chịu mọi sự khó bằng lòng vì Danh Chúa tôi”.

Một hồi chiếng lệnh vang lên, lính dẫn Người Tôi Tớ Chúa đi chịu từ hình với thẻ án để chữ: “Vĩnh Thành Thôn Tả đạo giáo trưởng Phỉ Nhật, bất khẳng khóa quá, luật hành trảm quyết, đầu trí vu hải, đĩ thị chúng – Tự Đức, Lục niên, ngũ ngoạt, nhị thập nhất nhật”.

Cha bình thản đi giữa với ông xã Phương là người có đạo đã giúp Cha từ khi Cha bị bắt, 60 lính mặc áo đỏ, vác giáo mác xếp hàng đi hai bên, hai người lính cầm gươm tuốt trần, một người đi trước Cha, một người đi sau giữ đầu dây đã trói Cha, quan Giám sát cưỡi ngựa đi sau cùng, Cha đi qua cửa Hậu vòng quanh lối cửa Tiền, lúc đó vào quãng 10 giờ sáng, Cha vừa đi vừa lần hạt. Giáo dân chờ Cha rất đông, Cha vui vẻ tươi cười từ giã họ làm cho người ngoại bỡ ngỡ.

Đến sông Long Hồ, Cha xuống thuyền sang bờ bên kia, lính dọn cỗ mời Cha ăn lần cuối cùng, Cha từ chối, Cha chỉ còn lo dọn mình để lĩnh nhận phúc tử đạo. Rồi lính lại dẫn Cha đi một đoạn đường xa nữa, đến bãi Đình Khao cạnh sông cái Sơn Bé, đám giải phạm nhân dừng lại. Ông xã Phương trải chiếu, trên chiếu có phủ vải và rắc bông. Cha quỳ vào giữa, xin cầu nguyện độ nửa giờ. Quan bằng lòng. Cha ngửa mặt lên trời cầu xin. Lính đến hỏi Cha: “Công việc ông đã xong chưa?” Cha đáp ngån gọn: “Xong rồi”. Hồi chiêng chưa dứt, lính chém đầu Cha và linh hồn Cha bay thẳng về trời, hôm ấy là ngày 3-7-1853.

Xử xong, quan quân vội vàng kéo nhau về như sợ oan hốn người chết theo làm hại. Lý hình cầm đầu Cha đi ra sông, ông xã Phương chạy theo chuộc lại với giá ba quan tiền.

Ông liệm xác và đầu Cha cho vào quan tài cùng với vải và bông đã thấm máu, chở về Cái Nhum, có ba cha và rất đông giáo dân hop ở đây đón xác Cha Minh, Cha Lương hát lễ trọng và làm phép xác ở xứ Cái Nhum, và hôm sau đưa xác về táng trong nhà thờ xứ Cái Mơn là quê Cha.

Ánh sáng lạ

Hòm áo lễ của Cha Minh còn giữ trong nhà quan tỉnh, một đêm lính canh thấy hòm ấy sáng chói, chúng sợ hãi báo quan, quan dạy phải đốt hết. Nhiều người ngoại chung quanh nơi xử lấy bông, vải thấm máu Cha đeo trong người để trừ tà, song thấy bông, vải ấy đến đêm sáng rực lên, họ sợ hãi, đem đến bỏ ở nơi xử Cha, đêm đến, nơi ấy lại rực sáng, dân chúng vội phát cỏ nơi ấy đi, đánh thành đống, thì đống cỏ này còn sáng thêm ba đêm nữa. Ông Sưu Lễ lấy một ít bông dính ở có Cha đem về nhà, đêm ấy anh Võ là người theo giúp Cha xưa, đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy thấy cả nhà sáng rực, thì thấy làm lạ. Hôm sau khi nói chuyện, vợ ông Lễ hỏi chồng có lấy được vật gì của Cha làm kỷ niệm không, ông Lễ khoe lấy được ít bông và chỉ chỗ mình cất, nghe thế anh Võ thuật lại ban đêm mình đã thấy ánh sáng lạ phát xuất từ đấy.

Có lẽ Chúa tỏ ra những dấu hiệu lạ để ta biết khi còn sống Cha Minh đã dùng lời giảng và làm gương sáng dẫn đưa mọi người, thì nay ở trên trời Cha vẫn còn tiếp tục công việc mang ánh sáng Tin Mừmg đến cho anh em đồng loại.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha Phi-líp-phê Phan Văn Minh ngày 27-5-1900.

Cha Phi-líp-phê Phan Văn Minh là chân phúc thứ nhất của địa phận Nam Kỳ. Người được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988


[1] Calcutta

[2] Cuénot

[3] Miche

[4] Borelle

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Related Articles