Ngày 02/08: Thánh Eusêbiô Vercellêsi, Thánh Phêrô Julianô Eymard
Ngày 2 tháng 8
THÁNH EUSÊBIÔ VERCELLÊSI, GIÁM MỤC (315-371)
THÁNH PHÊRÔ JULIANÔ EYMARD (1811-1868)
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Thánh Thánh EUSÊBIÔ VERCELLÊSI, Giám Mục (315-371)
Thánh Eusêbiô là người Sarde miền Piémont phía Tây Bắc nước Ý. Ngay từ nhỏ, Eusêbiô đã lãnh nhận được nơi bà mẹ một lòng đạo đức sâu xa, một nền giáo dục vững chắc và sớm biểu lộ niềm yêu mến đức trinh khiết.
Năm 344, Tòa Thánh đặt ngài làm Giám Mục giáo phận Verceil. Lúc ấy lạc thuyết Ariô được vua Constantinô tiếp tay nên lan tràn khắp nơi như một cơn giông bão tàn phá Giáo Hội. Vì cương quyết chống lại bè rối này nên ngài bị nhà vua đày ở Scythopolis năm 355. Tại đây ngài bị đói khát và bị hành hạ đủ cách, nhưng ngài luôn tỏ ra trung thành với giáo lý chân chính của Hội Thánh. Ngài thường liên lạc thư từ với các tín hữu để nâng đỡ đức tin của họ. Ngài phải chịu cảnh lưu đày cho mãi tới khi vua Constantinô băng hà mới được trả tự do và trở về địa phận.
Sau những ngày dài thử thách, Chúa đã gọi ngài lãnh nhận triều thiên công phúc ngày 02/8/371 tại Verceil, hưởng thọ 56 tuổi. Giáo Hội đã kể ngài vào hàng các thánh tử đạo vì những lần bị lưu đày gian khổ để bênh vực thiên tính của Chúa Giêsu chống lại bè rối Ariô.
2. Thánh Phêrô Julianô Eymard (1811-1868)
Thánh Phêrô Julianô Eymard Sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ thuộc Giáo phận Grênôp, nước Pháp. Phêrô đã phụ giúp thân phụ mình chế đúc và sửa chữa các loại lưỡi dao cho tới năm lên 18. Phêrô dùng các giờ rảnh rỗi để học hành. Ngài tự học Latinh. Phêrô được một linh mục có lòng quảng đại hướng dẫn đức tin. Trong thâm tâm, Phêrô mơ ước được làm linh mục. Năm 20 tuổi, Phêrô bắt đầu ghi danh học tại đại chủng viện Grênôp. Năm 1834, Phêrô Julianô được thụ phong linh mục và được trao cho coi liền một lúc hai xứ đạo suốt 5 năm sau đó. Dân chúng nhận biết cha Phêrô chính là món quà Thiên Chúa tặng ban cho họ. Sau đó, cha Eymard xin phép Đức Giám mục Giáo phận để được gia nhập hội dòng Truyền Giáo Đức Bà do cha Colin mới sáng lập lúc ấy, và Đức Giám mục đã chấp nhận. Cha Eymard phục vụ hội dòng này với tư cách là linh hướng cho các anh em chủng sinh. Vào năm 1845, cha Eymard được bầu làm bề trên của hội dòng tại Lyon, nước Pháp. Thế nhưng, dù cha Eymard đã kiên trì chu toàn nhiều trách vụ trong cuộc đời, lòng trí cha vẫn hướng về một điều gì khác.
Cha Eymard có một tình yêu bừng cháy đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài bị lôi cuốn vào sự hiện diện của Chúa trong bí tích cực trọng này. Eymard thích dùng thời giờ hàng ngày để tôn thờ Chúa. Trong một ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cha Eymard đã trải qua một cảm nghiệm đạo đức rất đặc biệt. Đang khi Eymard đi kiệu Mình Thánh, ngài cảm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu nóng ấm tựa như lò lửa hồng. Mình Thánh Chúa dường như bao chiếm lấy Eymard bằng tình yêu và ánh sáng. Trong tâm hồn, Eymard thưa lên với Chúa những nhu cầu tinh thần và vật chất của bổn đạo. Thánh nhân nài xin lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu chạm tới mọi người, cũng như ngài được Thánh Thể Chúa đụng chạm tới vậy.
Vào năm 1856, cha Eymard nương theo ơn linh hứng mà cha đã cầu nguyện trước đó nhiều năm. Với sự chấp thuận của các bề trên, cha đã thiết lập một hội dòng cho các linh mục chuyên tôn thờ Thánh Thể. Các ngài được biết đến với tước hiệu là những linh mục của bí tích Thánh Thể. Hai năm sau khi lập dòng nam, cha Eymard lập thêm một hội dòng nữ, gọi là dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Như những linh mục, các chị nữ tu này cũng có một tình yêu đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ tận hiến đời mình để tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Cha Eymard cũng lập thêm những lớp dạy giáo lý trong giáo xứ nhằm chuẩn bị cho bổn đạo rước lễ lần đầu. Ngài cũng viết nhiều sách về bí tích Thánh Thể, những sách này đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng; và ngày nay vẫn còn giá trị.
Thánh Phêrô Julianô Eymard đã trải qua rất nhiều đau khổ trong bốn năm cuối đời. Ngài cũng gặp phải những khó khăn và những lời chê bai chỉ trích. Nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Gương hy sinh và đời sống chứng tá của Eymard đã giúp cho nhiều người tìm thấy ơn gọi của họ trong hội dòng ngài đã thiết lập. Phêrô Julianô Eymard về trời ngày mùng 1 tháng 8 năm 1868, lúc được 57 tuổi. Đến ngày mùng 9 tháng 12 năm 1962, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã tôn phong Phêrô Julianô Eymard lên bậc hiển thánh.
II. BÀI HỌC
1. Con Đường Nên Thánh
Thánh Eusêbiô VERCELLÊSI và thánh Phêrô Julianô Eymard nên thánh bằng những con đường khác nhau. Nhưng như thánh Ignatio nói con đường nào cũng là con đường làm vinh danh Thiên Chúa. Thánh Eusêbiô VERCELLÊSI vinh danh Thiên Chúa bằng con đường chịu sỉ nhục vì Đạo Chúa để nói lên lòng trung thành tuyệt đối với Chúa cũng như theo Chúa đến trọn cuộc đời.
Còn thánh Phêrô Julianô Eymard lại làm vinh danh Chúa bằng cách khác. Ngài đã làm vinh danh Chúa bằng lòng yêu mến Chúa tha thiết cũng như muốn làm cho mọi người yêu Chúa như thế qua việc lập nên các công đoàn chuyên trách việc thờ phượng Chúa trong bí tích Thánh Thể thay thế cho cả loài người.
Tất cả những công việc đó là những công việc Chúa ưa thích và là nhưng công việc làm Chúa được vinh danh.
2. Con đường nên thánh của mỗi người chúng ta.
Nếu phải hỏi: Chúng ta làm gì để nên thánh?
Đây là câu trả lời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
– Con chỉ có một công việc quan hệ: Bổn phận. Không kể lớn nhỏ, vì lúc ấy “con làm việc của cha con”, trên trời Ngài chỉ định cho tôi thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử. Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là kho! (ĐHV 999)
Các thánh chỉ làm bổn phận mình, theo ơn Chúa ban cho mỗi người.
Thánh Giuse và Mẹ Maria không làm gì khác hơn là chu toàn bổn phận âm thầm, khiêm tốn mỗi ngày, nói được là bổn phận tầm thường hơn con nữa.
Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ lo làm việc nội trợ trong nhà kín như các chị em khác.
Thánh Isiđôrô cứ đi cày như các nông dân khác.
Thánh Gioakim và Anna là cha mẹ gia đình vất vả như cha mẹ của mọi gia đình khác.
Thánh Gioan Vianney chỉ ngồi toà giải tội như bất cứ một Linh mục nào khác. Có Linh mục nào mà giải tội không được đâu! Nhưng cha Vianney rất ý thức về bổn phận cao cả của ngài và đã chu toàn một cách rất tuyệt hảo, mặc dầu ngài dốt đặc. Trước ngài ngồi toà mỗi tuần ít giờ, dần dần mỗi ngày ít giờ, rồi sau cùng, suốt mấy chục năm cuối đời, ngồi toà giải tội mỗi ngày 18 giờ. Ngài chỉ làm chừng ấy thôi mà ma quỷ cũng phải thét lên: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao phải bó tay thất nghiệp hết” .
Một triết gia nổi tiếng ngày xưa, mỗi khi dạy học, thường bắt học sinh trả tiền. Ngày đó, có một thanh niên nghèo đến xin làm đệ tử. Ông hỏi:
– Anh có gì trả cho tôi không?
Chàng thanh niên khôn ngoan đáp:
– Con sẽ cho thầy cả con người của con.
Ông thầy nhìn anh mỉm cười rồi nói:
– Được tôi nhận anh. Nhưng anh phải cố gắng mỗi ngày để thăng tiến hơn con người hiện tại của anh.
Những ai muốn nên thánh cũng phải cố gắng mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn. Đó là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất. Amen.