Ngày 23/03: Thánh Turibiô Môgrôvêjô, Giám mục (1536-1606)

Ngày 23 tháng 03
THÁNH TURIBIÔ MÔGRÔVEJÔ GIÁM MỤC (1536-1606)

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh Turibiô sinh tại Lê-on, nước Tây Ban Nha, năm 1538. Là con của lãnh chúa Mogrovejo, thuộc dòng tộc quý phái đạo đức.

Lớn lên, ngài đến học ở Salamanca và Côimra. Ở đâu, ngài cũng chăm chỉ học hành và nêu gương lành gương tốt. Mặc dù còn trẻ tuổi, tuổi thanh xuân thường đua đòi, ngài lại sống khác, làm khác đồng bạn: ngài nhịn ăn để giúp đỡ kẻ nghèo, và luôn hãm mình đền tội thay cho các tội nhân. Ai ai cũng nghĩ rằng sau này ngài sẽ trở thành tông đồ mở mang nước Chúa.

Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, ngài được vua Philipphê II đặt làm chánh án toà án Granada. Khi Giáo phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định làm Giám Mục lại là Turibiô một giáo dân. Nghe tin này Turibiô khóc ròng, ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi Giám mục, và nhận Giáo phận năm 1581.

Địa phận dành cho Turibiô có những rất nhiều khó khăn đến nỗi có thể nói nếu ngài không phải là một vị thánh thì khó có thể chu toàn được nhiệm vụ. Giáo phận có chu vi tới sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes. Người Tây Ban Nha khai phá Tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt. Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: Những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị. Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm ngài nản chí. Những người Tây Ban Nha quyền thế trở thành Phó vương và cả đến vua Philipphê II do những báo cáo sai lầm đã trách cứ ngài. Nhưng tất cả những luật lệ nghiêm khắc đã không làm cho ngài nản chí bỏ cuộc. Ngài luôn ý thức rằng chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian phán xét ngài.

Turibiô học ngôn ngữ dân Pêru. Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của ngài đối với họ không có giới hạn. Khi ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với ngài. Trước hết ngài thăm hỏi những người đau yếu, và nếu không chữa chạy cho họ được, ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh đều có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập chủng viện, các viện cứu tế. Trong 25 năm, ngài đi thăm viếng Giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi toà mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có cơn dịch trong Giáo phận, ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình. Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính ngài rơi lệ ướt cả thánh giá cầm trong tay.

Khi bắt đầu cuộc kinh lý mới, ngài đã ngã bệnh tại Santa, ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô:

– Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hợp với Chúa Giêsu Kitô.

Gần chết, ngài xin những người chung quanh hát lời kinh:

– Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi: chúng ta đi về nhà Thiên Chúa.

Thế là cái chết của ngài được coi như một cuộc lễ. Lời cuối cùng của ngài là lời vua thánh tiên tri:

– Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. (Nguồn: conggiao.info)

II. BÀI HỌC.

Nếu phải chọn một đề tài cho bài học hôm nay qua câu truyện của thánh Giám Mục Turibiô thì tôi xin chọn đề tài là sự kỳ diệu của Thiên Chúa trong việc cai trị và gìn giữ Giáo Hội của Người trên thế gian. Chúa cai trị và gìn giữ Hội thánh của Chúa qua trung gian các tông đồ sau khi Chúa về trời và sau thời đại của các tông đồ là các Giám Mục kế tục các ngài. Và một trong các vị Giám mục đó là thánh Turibiô mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Turibiô đã sống đời sống của một mục tử theo đúng thánh ý của Chúa Giêsu. Chính đời sống ấy đã làm nên Giáo hội của Chúa giữa trần gian. Chính đời sống đó đã làm cho Giáo Hội của Chúa được hiện diện trên thế giới này. Đời sống thánh thiện của thánh Giám Mục Turibiô đã trở thành một mẫu gương cho các thế hệ Giám Mục mai sau

Công đồng Vaticanô II sau này khi bàn về nhiệm vụ của các mục tử đã nói như thế này: “Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các Giám Mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng biết chủ chăn; như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương và lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài hãy quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình đông đủ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong tình hiệp thông bác ái.

Ðể có thể thực thi những điều đó một cách hiệu nghiệm, các Giám Mục “là những người sẵn sàng làm mọi việc thiện” (2Tm 2, 21) và “chịu đựng mọi sự vì những kẻ được chọn” (2Tm 2, 10) phải tổ chức đời sống mình phù hợp với những nhu cầu thời đại. “

Nhìn lại cuộc đời của Đức Cha Turibiô, chúng ta thấy ngài đã sống đúng với tinh thần đó. Chính vì thế mà Giáo phận của ngài đã được thăng tiến về mọi mặt nhất là về đời sống yêu thương theo lý tưởng TIN MỪNG.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho Giáo Hội hoàn vũ có được những Giám Mục thánh thiện như thánh Turibiô để cho Giáo Hội mỗi ngày mỗi tốt đẹp thánh thiện hơn như ý Chúa muốn.

Đức Cha Phanxicô Salêsiô, một người thông minh xuất chúng, lại có một lối giảng đạo khác hẳn. Ngài rất nhân từ, bình dân, giản dị niềm nở đón tiếp mọi người, nghe ngóng mọi người, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ sẵn sàng đối thoại ngay cả đối với những anh em lạc giáo có ác tâm muốn bắt bẻ ngài nhưng cuối cùng chính họ là những kẻ bị ngài chinh phục. Ngài không ngại mất thời giờ nhẫn nại nghe họ, như thể chỉ có mình ngài với họ thôi. Có người góp ý:

– Đức Cha tiếp họ làm gì cho mất công, họ có ý đến để bài bác Đức Cha đó!, . . “

Ngài trả lời

– Mỗi linh hồn đã là một Giáo phận đối với một Giám mục”

Nhơ tìm hiểu, đón tiếp từng cá nhân như vậy mà ngài đã làm cho trên 10. 000 người theo lạc giáo trở lại Công giáo (nên nhớ miền Chablais và thành Genève thuộc Giáo phận Annecy là trung tâm hoạt động của Tin lành Calvinô Thụy sĩ).

Giám mục Bossuet khiêm tốn nhận thức điều ấy và tuyên bố công khai: “Ai muốn tranh luận về giáo lý thì hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý. Nhưng ai muốn đi đạo thì đi đến với đức Cha Phanxicô Salêsiô; ngài hiền từ, không tranh luận, nhưng có một khả năng chinh phục lạ thường”.

Related Articles