Ngày 14/07: Thánh Camillô Lellis, Linh mục (1550-1614)

Ngày 14 tháng 7

Thánh CAMILLÔ LELLIS, LINH MỤC
(1550-1614)

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh Camillô Lêllis sinh tại thành Napôli, nước Ý, vào năm 1550. Cuộc sống thơ ấu của Camillô không mấy tốt đẹp. Tuổi thanh niên Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Nết xấu này làm cho Camillô lúc 24 tuổi phải nghèo xơ xác. Vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli.

 Thế nhưng Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi vì một cái chân của ngài bị trọng thương trong trận chiến hồi ngài đi lính nhưng tới nay vẫn không thể chữa trị được. Rất may, như người đời thường nói: trong cái rủi lại có cái may, Vì không được tuyên khấn, Camillô bắt đầu chuyển sang việc đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố Rôma; và rồi ngài đã trở thành giám đốc bệnh viện thánh Giacôbê.

Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô, thánh Philipphê Nêri (lễ kính ngày 26 tháng Năm), là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma hồi đó. Cha Philipphê đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá, Camillô đã thiết lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camillô.

Các tu sĩ Camillô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Camillô cùng các anh em linh mục và tu sĩ dòng của ngài cũng đến với những người nghèo, những người bệnh không ai chăm sóc. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Với thời gian, hội dòng phát triển mạnh và có thêm nhiều thành viên mới. Thánh Camillô Lêllis cũng gởi người tới giúp các binh lính bị thương tại Hungary và Croatia. Đây là đơn vị y khoa đầu tiên có mặt trên chiến trường.

Mùa hạ năm 1614, thánh nhân ngã bệnh nặng, uống thuốc gì cũng không thuyên giảm. Đêm ngày 14 tháng 7, ngài xin lỗi các thầy dòng đang đứng vây quanh giường, giang hai tay theo hình thánh giá, kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Đức Mẹ, rồi tắt thở êm ái, hưởng thọ 65 tuổi.

Năm 1746, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đã tôn phong thánh nhân lên bậc hiển thánh. Giáo hội mừng lễ kính thánh nhân ngày 14.7.

Ngày 22/06/1886, Đức Thánh Cha Lêô VIII công bố hai Thánh Camillo De Lellis và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Bổn mạng của các bệnh nhân và bệnh viện trên toàn thế giới”.  ĐTC Piô XI suy tôn Ngài và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Đấng bảo trợ nhân viên y tế”vào ngày 28/08/1930.

II. BÀI HỌC

1. Ơn gọi của thánh Camillô.

Nhìn lại cuộc đời của thánh Camillô chúng ta thấy thật lạ lùng.

Đúng là cuộc sống có những điều bất ngờ nhiều khi không hiểu nổi: Làm thế nào mà các bác sĩ đã đi đến kết luận là tập thể dục sẽ kéo dài tuổi thọ khi con thỏ luôn nhảy lên và nhảy xuống, nhưng nó chỉ sống được 2 năm, trong khi đó con rùa không vận động gì lại sống được đến 400 năm…

Về phương diện thiêng liêng cũng thế. Làm sao một con người là kẻ thù của Chúa lại có thể trở thành kẻ rao giảng về Người như trường hợp của Phaolô?

Làm sao chúng ta có thể hiểu được một chàng thanh niên hư thân mất nết, say sưa nghiện ngập lại có thể trở thành một ông thánh lập dòng chuyên chăm sóc cho những bệnh nhân đau khổ?

Công đồng Vatican II đã nói thật hay: “Mọi tín hữu, bất kể điều kiện hay bậc sống của họ, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách riêng của mình, tiến đến sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Ðấng hoàn hảo”

Nếu người thanh niên say sưa nghiện ngập không gặp những thất bại trên đường đời và nếu không bị đối xử bất nhân trong khi phải nằm chữa tr trong bệnh viện thì chưa chắc gì ngày hôm nay đã có từng lớp, từng lớp người nối tiếp nhau cùng nhau chăm sóc cho những người đau khổ bất hạnh trên thế giới dưới danh nghĩa là dòng Camillô.

Chúng ta phải nói: tất cả là do lòng thương xót của Thiên Chúa và sự quan phòng đầy tình yêu thương của Người.

2. Con đường nên thánh của Camillô Lellis.

Chúng ta có thể nói ngay: Đó là con đường phục vụ.

Ban đầu Ngài qui tụ những anh em dấn thân phục vụ những người hấp hối ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của Ngài:

– Hãy hồi tâm để dâng lên những lời nguyện tắt và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Chớ gì họ biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ hợp với sự chết của Chúa Giêsu Kitô và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người.

 Năm 1586, Đức giáo hoàng Sixtô V chấp thuận chương trình của Ngài.

Năm 1588, Ngài được gọi đến lập tu viện ở Naples. Nơi đây Ngài đã thực hiện những hành vi đức ái kỳ diệu đối với các nạn nhân của một cơn dịch hạch.

 Năm 1591, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã nâng tu hội của Ngài thành dòng tu, ngoài ba lời khấn còn có lời khấn thứ tư là hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, dưới bất cứ bệnh tật nào. Dòng thánh Camillô phổ biến khắp nước Ý và còn phổ biến sang cả Pháp, Tây Ban Nha.

 Con số tu sĩ và nhà dòng ngày một nhiều. Tuy nhiên, lòng tin tưởng của Camillô vào Chúa quan phòng thật vô bờ. Các chủ nợ lo âu hỏi Ngài:

– Bao giờ cha mới trả hết nợ cho chúng tôi?

 Ngài trả lời :

– Đừng sợ gì! Chẳng lẽ Thiên Chúa quyền năng lại không gởi cho chúng ta món tiền nào sáng mai sao?

 Các chủ nợ cười nói :

– Thời phép lạ đã qua rồi.

 Nhưng rồi vài ngày hôm sau, Ngài được những túi tiền lớn đủ để trả nợ. Sự quan phòng cho thấy rằng các phép lạ có mãi cho những ai phó thác cho Chúa.

 Khi tuổi cao, Camillô vẫn không giảm bớt những phục vụ bên cạnh các người đau khổ. Thấy vậy, các bệnh nhân nói:

– Cha nghỉ đi kẻo té ngã mất.

 Nhưng Ngài trả lời :

– Này các con, cha là nô lệ của các con, cha phải làm mọi sự có thể làm được để phục vụ các con.

 Đi từ giường này tới giường khác, Ngài tự nhủ:

 – Hạnh phúc tôi mong đợi lớn lao đến nỗi mọi đau khổ đều thành niềm vui của tôi.

 Kiệt sức vì công việc và đau đớn, Camillô Lellis chỉ còn là một bộ xương. Khi thấy giờ chết tới gần, Ngài vui sướng:

 – Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: nào ta đi về nhà Chúa.

 Được đưa về phòng, Ngài còn nói trong nước mắt:

– Lạy Chúa, con biết con là một tội nhân ghê gớm. Nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành của Chúa.

 Ngày 14 tháng 7 năm 1614 Camillô Lellis an nghỉ bình an trong Chúa.

Năm 1746, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã suy tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

Related Articles