Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục
Ngày 14 tháng 2
THÁNH CYRILLÔ, ĐAN SĨ,
VÀ THÁNH MÊTHÔDIÔ, GIÁM MỤC
Đồng bổn mạng Âu Châu
1. Đôi dòng tiểu sử.
Hôm nay Giáo Hội lại cho chúng ta mừng kính một lần nữa hai vị thánh trong cùng một ngày. Lý do cũng rất đặc biệt vì hai vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay là con của cùng một gia đình. Cyrillô là em út và thánh Methôđiô là anh cả trong một gia đình bảy người con. Các ngài được sinh ra tại Thessalonica (Hy lạp). Cha các ngài là một viên chức cao cấp của đế quốc Byzantine. Cyrillô được ăn học thành tài tại Constantinople, và sau đó làm giáo sư tại đại học của hoàng đế. Methôđiô theo đuổi sự nghiệp chính trị, lên đến chức tổng trấn.
Nhưng ơn Chúa thật lạ lùng. Hai con người với tương lai sáng ngời. Hai con người với cuộc sống quyền uy sang trọng đang mời gọi. Hai con người với hai trái tim còn ôm ấp bao dự định to lớn. Vậy mà Chúa đã chuyển hướng đời họ. Quyền uy, danh vọng tất cả đã phải dừng bước. Các ngài đã quyết bỏ mọi sự để bước vào cuộc đời mới, cuộc đời hiến thân cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Cyrillô được gọi lên chịu chức thánh, ngài hết sức vui mừng. Hơn nữa ngài còn cảm thấy như bị thôi thúc bởi một lý tưởng cao cả hơn. Ơn Chúa đổ xuống và đốt nóng ý chí của Cyrillô. Tuy nhiên ngài vẫn chờ đợi trong yên lặng và cầu nguyện.
Còn Mêthôđiô thì luôn theo sát em mình như hình với bóng, lúc nào cũng yêu mến và giúp đỡ em thi hành ý định. Tính tình của Mêthôđiô hơi khác với em mình một chút. Hình như Mêthôđiô được sinh ra và sống giữa hai thái cực. Vui thì như tết nhưng nóng lại nóng như lửa. Có khi hoà nhã êm đềm, cũng có lúc lại nổi xung đến hung bạo, đanh thép. Tuy nhiên lúc nào cũng biết nhẫn nại và thích nghi với những hoàn cảnh phức tạp để bênh vực chân lý. Thêm vào đó, Mêthôđiô còn có một sức chịu đựng dẻo dai và không bao giờ chịu lui bước khi phải làm chứng cho sự thật. Đã mấy lần Mêthôđiô dám nói thẳng vào mặt đối phương muốn dùng lối ngụy biện trí trá để xuyên tạc những chân lý của đạo Chúa: “Các anh định chọi nhau với sắt ư! Được lắm, chỉ sợ các anh sẽ bị vỡ tan tành”.
Với lòng tận tụy hy sinh thêm vào một tài trí lanh lợi và một cách tiếp nhân xử thế tế nhị, hai anh em Cyrillô và Mêthôđiô đã làm cho Thessalonica quê hương mình được hãnh diện với các giáo đoàn khác, nhất là các ngài đã mang về cho Chúa nhiều chiên lạc. Các ngài cũng đã là những nhịp cầu thông cảm nối kết giữa Giáo hội Đông và Tây trong những hoàn cảnh cam go, chia rẽ. Đồng thời các ngài còn lấp đầy được cái hố sâu ngăn cách giữa hai giáo đô Byzanciô và Rôma.
Công việc và thời gian đã làm cho anh em Mêthôđiô và Cyrillô càng ngày càng trưởng thành hơn. Thêm vào đó các ngài còn luyện cho mình được những đức tính cần thiết để sau này có thể mang ra thi hành trong việc rao truyền Tin Mừng.
Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự. Hoàng đế Rasdelaw xứ Môravia đã sai sứ giả đến Cyrillôpôli xin Hoàng đế Micae III cử người đến giảng Tin Mừng cho dân tộc mình.
Với sự am hiểu phong tục và tính tình của các dân miền đó, nhất là cả hai đều thông thạo tiếng slave nên hai anh em đã được Đức Giáo hoàng Photius tín nhiệm sai đi. Hai nhà truyền giáo đã không do dự, nhanh chóng nhẹ bước lên đường.
Công việc đem Tin Mừng cho xứ Môravia lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn và những khó khăn này không nhỏ. Hai anh em phải đối diện với cả một dân tộc mới chỉ có ngôn ngữ nói mà chưa có ngôn ngữ đọc. Chính vì thế mà công việc rao giảng Tin Mừng rất khó khăn. Tuy nhiên với lòng yêu mến các linh hồn sẵn có cũng lòng kiên trì không biết mệt mỏi, nhờ ơn Chúa, các ngài đã dần dần vượt qua được tất cả.
Nói tới đây tôi chợt nhớ tới hoàn cảnh nước Việt Nam của chúng ta trước đây. Cũng may mà chúng ta được Chúa cho một người là Cha Đắc Lộ. Ngài đã “Chế” ra chữ quốc ngữ mà hiện nay chúng ta đang sử dụng. Đây là công lao rất to lớn của ngài.
Sau khi đã “chế” ra được ngôn ngữ viết, các ngài đã mạnh dạn đem áp dụng vào việc dạy giáo lý nhất là vào việc cử hành phụng vụ.
Đây phải nói đây là một cuộc cách mạng lớn cho dân Môravia và sau này cho các Giáo Hội nhất là sau công đồng chung Vaticano II.
Lịch sử còn ghi lại ngày mà Cyrillô và Mêthôđiô vui mừng nhất là ngày các ngài được Roma cho phép được cử hành phụng vụ bằng tiếng Môravia. Nhưng ý Chúa thật khó hiểu. Tới khi được thành công thì Cyrillô đã vội về nơi an nghỉ, ngày 14-02-869 tại giáo đô Rôma. Cyrillô đã để lại cho giáo dân một cái tang đau đớn. Thánh nhân ra đi, đã để lại thương tiếc cho bao nhiêu người nhất là những người Môravia. Thánh nhân ra đi, Giáo hội mất một cán bộ lành nghề, nhưng công phúc của ngài sẽ làm cho Lời Chúa được truyền đi muôn nơi. Xác thánh nhân được chôn cất tại nhà thờ thánh Clêmentê.
Mất Cyrillô là Mêthôđiô đã mất một cánh tay đắc lực cho công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên Mêthôđiô vẫn hiên ngang và vui vẻ trở về Môravia tiếp tục công việc đang còn dở dang.
Trước khi nhắm mắt về quê trời, Mêthôđiô còn phải nỗ lực dịch Kinh thánh và những sách giáo phụ sang tiếng Nga. Và ngày 06-04-885 thánh nhân phó linh hồn trong tay Chúa.
2. Bài học
a/ Có lẽ công ơn lớn nhất của các ngài là việc phát minh ra một bản mẫu tự mới để làm ngôn ngữ viết cho dân Môravia. Công việc này không hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên việc này đã dần dần đã làm giảm bớt được những khó khăn về ngôn ngữ để từ đó Tin Mừng được truyền bá khắp đó đây. Hai nhà truyền giáo đã bắt đầu dùng ngôn ngữ mà các ngài đã lập ra để cử hành phụng vụ và dịch Sách Thánh.
Phải nói đây là một cuộc cách mạng lớn mà sau này công đồng Vaticanô II cũng đã thực hiện. Chúng ta thử tưởng tượng nếu không có cuộc cách mạng cho sử dụng tiếng địa trong công việc cử hành phụng vụ và học hỏi Lời Chúa thì thì việc phổ biến Tin Mừng sẽ bị hạn chế và sự thiệt thòi sẽ lớn như thế nào.
Cám ơn Chúa đã soi sáng để có những người mở đường để công việc của Chúa mỗi ngày được tốt đẹp và hữu hiệu hơn.
b/ Cyrillô và Mêthôđiô đã để lại cho Giáo Hội một tấm gương sáng lạng về việc phục vụ Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã coi các ngài như những mẩu mực mà các thế hệ mai sau phải noi theo.
Chúng ta hãy tận dụng mọi hoàn cảnh trong cuộc sống: sinh nhật, qua đời, bệnh tật, các cuộc mừng trong gia đình… Chúng ta luôn có những cơ hội để đưa tha nhân đến gần Chúa, chẳng hạn giới thiệu cho họ một cuốn sách tốt. Chúng ta có thể an ủi hoặc khuyên nhủ một ai đó trong cảnh lao đao. Chúng ta có thể gợi ý gia chủ xin linh mục làm phép căn nhà của họ. Chúng ta có thể cho người ta biết cách xin thiên thần bản mệnh phù giúp trong ngày sống. Chúng ta có thể đề nghị người quen treo ảnh Đức Mẹ trong nhà để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Đó là những tập tục đơn sơ mà các Kitô hữu đã thực hiện suốt bao thế kỷ đã qua. Những tập tục ấy như chất huyết tương, kích hoạt đời sống đức tin. Chúng ta cần đưa Chúa vào hàng ngàn giây phút bình thường trong cuộc sống. Chúng ta hãy hiến dâng công việc, giờ nghỉ ngơi, hoặc kỳ nghỉ của chúng ta cho Thiên Chúa. Đức tin phải thấm nhuần mọi hoạt động của chúng ta để làm chúng thêm phong phú và đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ thấy nỗ lực siêu nhiên này làm cho các hoạt động của chúng ta thêm tình nhân ái.