Ngày 11/03: Thánh Đa-minh Cẩm – Linh mục (+ 1859)

Cậu Đa-minh Cẩm sinh ở làng Cẩm Đường, xứ Kẻ Roi tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình đạo đức. Cậu bé Cẩm tính tình vui vẻ, cương quyết, thích hoạt động, lại được cha mẹ giáo dục huấn luyện theo tinh thần đạo Ki-tô là mến Chúa và yêu người, nhờ đó, các đức tính tốt này được nảy nở phong phú. Cậu bé linh hoạt, đạo đức, lễ phép, dễ dạy, ai cũng mến, cũng thương, nên mọi người không lạ gì khi thấy cậu từ giã cha mẹ, xóm làng thân yêu, dâng mình cho Chúa.

Qua những năm ở chủng viện, Đức Cha Giu-se Săng-giuýc-giô (An)[1] nhận thấy rõ khả năng của thày Cẩm, nên khi học xong, thày được cử về giúp xứ Trần Xá.

Với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, với bản tính linh hoạt mau mắn, thày đem hết tâm hồn vào công cuộc tông đồ, chỉ một thời gian sau, họ Trần Xá trở thành một họ đạo sốt sắng. Tiếng nhân đức của thày lan ra khắp địa phận, các hoạt động của thày thu được nhiều kết quả khả quan. Bề trên đã đoán trước một tương lai đầy hứa hẹn, gọi thày về Đại chủng viện, tiếp tục học tiến tới chức linh mục.

Tù ngục cũng là môi trường hoạt động tông đồ

Sau mấy năm học tập, Thày Đa-minh Cẩm được thụ phong linh mục ở làng Cao Xá. Với nguồn ơn phong phú của chức vụ thánh, tâm hồn Cha Cẩm như rộng mở lao mình vào cánh đồng truyền giáo: “Lúa chín nhiều mà thợ gặt ít”, lời Phúc âm này luôn thôi thúc Cha. Giữa cơn cấm đạo ngày càng ác liệt, máu người có đạo đổ ra khắp nơi để bảo vệ, để làm chứng Đức Tin và cũng là để gieo rắc Đức Tin: bóng hình nhanh nhẹn của Cha Cẩm vẫn xuất hiện giữa cảnh chết chóc, hoang tàn, nguy hiểm, để gặt cho Chúa các linh hồn, vì giờ đây, với các sắc lệnh cấm đạo liên tiếp của vua Tự Đức, nhiều thợ gặt nhiệt thành đã gục ngã trên chiến trường, nhiều chủ chăn đã ra đi để lại đoàn chiên bơ vơ.

Nhưng rồi đến một ngày, các cuộc lùng bắt đạo trưởng gắt gao, Cha không thể đi lại như trước được nữa và sau cùng ngày 21-1-1859, Cha Cẩm bị điệu về Hưng Yên mở đầu cho những ngày truyền giáo trong ngục tù.

Đúng như lời Thánh Phao-lô nói: “Cha bị xiềng xích nhưng lời Chúa không bị xiềng xích”. Bây giờ nhà giam biến thành môi trường hoạt động tông đổ của Cha Cẩm. Ngoài giờ cầu nguyện, Cha đi thăm các tù nhân, yên ủi họ, giảng giải cho họ biết Chúa và mến Chúa, giúp họ lợi dụng các đau khổ đời này biến thành công phúc đời sau.

Với tài ngoại giao, với dáng điệu nhân đức, Cha thu phục được lòng người, cả các quan và lính canh cũng yêu mến Cha đến nỗi họ tìm cách giúp Cha vượt ngục, nhưng Cha cương quyết từ chối, sợ rằng nhiều người sẽ phải liên lụy vì mình, và nhất là lẽ nào Cha lại từ chối niềm hạnh phúc bất diệt đang chờ đón Cha, bỏ con đường ngắn nhất đưa thẳng Cha về thiên đàng.

Giáo dân được tự do vào thăm viếng, Cha lợi dụng dịp này giúp họ vững vàng giữ đạo, đừng sợ những sự khó chóng qua mau hết mà bỏ mất phúc trường sinh.

Cha phải ra công đường nhiều lần, các quan làm hết cách dụ dỗ ép buộc Cha khóa quá hay chỉ cần tỏ ra dấu gì ghét đạo, sẽ được tha ngay. Nhưng với tính cương trực, thẳng thắn, mạnh bạo, Cha can đảm xưng mình là đạo trưởng, sẵn lòng chết để tuyên xưng Đức Tin.

Các quan kết án Cha phải trảm quyết và ngày 11-3-1859, vua y án.

Của lễ hy sinh được chấp nhận

Lý hình điệu Cha ra pháp trường, Cha vui tươi sung sướng đi đón giờ hy sinh. Pháp trường là bãi sông gần Bến Đá tỉnh Hưng Yên. Tới nơi, Cha quỳ trên bãi cát, âm thầm cầu nguyện, cha đưa mắt nhìn cánh đồng bát ngát bao la chung quanh, cũng là hình ảnh cánh đồng truyền giáo đang trải qua cơn giông tố, Cha hiến dâng mình làm của lễ hy sinh, xin Chúa thương đến đoàn chiên thiếu người chăn dắt.

Một hồi trống lệnh nổi lên, lý hình chém đầu, linh hồn Cha bay về trời, Giáo Hội Việt Nam được thêm một đấng thánh mạnh thế trước tòa Chúa.

Thi hài Cha sau đưa về táng ở Kẻ Roi.

Cha Đa-minh Cẩm được Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc ngày 29-4-1951, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

–o0o–


[1] Joseph Sanjurjo.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Related Articles