Ngày 11/10: Thánh Phê-rô Lê Tùy – Linh mục (1773 – 1833)

Hằng năm, đến ngày 11-10, giáo dân Hà Nội và các xứ lân cận kéo nhau rất đông về làng Bằng Sở để mừng lễ Cha Thánh Tùy. Bầu không khí sốt sắng tưng bừng, đây là ngày hội lớn của làng, cả làng nghỉ việc mừng lễ và đón tiếp khách các nơi về dự lễ.

Cha Thánh Lê Tùy là ai? Cha là người mở đầu thế hệ chứng nhân anh hùng của Chúa Kitô thế kỷ XIX.

Sinh trong thời cấm cách

Cha sinh năm 1773, trong một gia đình trung nông bình thường ở làng Bằng Sở, trước kia làng này thuộc xứ Yên Duyên nay thuộc giáo xứ Bằng Sở, Tổng Giáo phận Hà Nội.

Năm ấy là năm hai chân phúc Cát-ta-nê-đa[1] (Gia) và Vi-xen-tê Liêm nhận triều thiên tử đạo ở thành Thăng Long đời Chúa Trịnh Sâm. Dù thế, khi người còn nhỏ, cha mẹ người đã cho con vào nhà Đức Chúa Trời, dâng mình cho Chúa, sẵn sàng đón nhận mọi hy sinh trong sứ mệnh tông đồ.

Sau nhiều năm học tập ở Chủng viện Kẻ Vĩnh tỉnh Nam Định, thày Tùy được phong chức phó tế và được cử đi giúp Đức Cha Lơ-mốt[2] (Hậu), phó Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài. Thày hoạt động truyền giáo trong tỉnh Nghệ An.

Thày đạo đức khôn ngoan, thông thái, thông thạo tiếng La-tinh và chữ Nho. Ít lâu sau, Thày được phong chức linh mục và được cử đi làm cha phó xứ Đông Thành (Chân Lộc) rồi làm chính xứ Nam Đường thuộc tỉnh Nghệ An. Cha là một linh mục rất nhiệt thành hăng hái, đạo đức vững chắc, tính tình hiền hòa.

Đức Cha Lơ-mốt đã có lần nói rằng: “Không ai là không bằng lòng với Cha Tùy”, đó là lời chứng nhận và khen ngợi nhân đức hiền từ của một linh mục Việt Nam.

Không sợ chết

Năm thứ 14 đời vua Minh Mệnh có chiếu chỉ cấm đạo ngặt, các quan Nghệ An sai một số tay chân là những người ghét đạo đi do thám, rình mò, bắt bớ các linh mục.

Ngày đầu tháng 8 năm 1833, Cha Tùy đi xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thành Trai, một họ đạo nhỏ nằm giữa các làng ngoại giáo, Cha bị bắt và người ta giải Cha nộp cho quan huyện sở tại để lĩnh tiền thưởng. Giáo dân biết tin đến quan huyện xin nộp tiền chuộc Cha, quan Huyện Thanh Phong bằng lòng nhưng với điều kiện Cha phải nhận mình là thày thuốc đi thăm bệnh nhân.

Cha Tùy cương quyết từ chối lời khai man ấy và bị giải về tỉnh Nghệ An.

Dù Cha đã 60 tuổi, người ta cũng đóng gông và giam Cha trong ngục.

Mấy ngày sau, quan án đòi Cha ra công đường. Quan hỏi: “Ông có phải là đạo trưởng Gia-tô không?

– Phải, tôi là đạo trưởng đạo Thiên Chúa.

Quan liền nói: “Này, ông hãy nghe tôi. Ông đã già rồi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng thương hại ông. Không ai muốn ông phải kết án tử hình. Tôi cũng không muốn thế, nhưng phép nước rất ngặt, vậy ông hãy làm giấy khai mình là thày thuốc, như thế tôi sẽ cứu ông khỏi chết nhục hình. Ông không sợ chết sao?”

Cha Tùy điềm đạm trả lời: “Cám ơn quan đã muốn cứu tôi, nhưng lương tâm một vị đạo trưởng Thiên Chúa không cho phép tôi làm theo ý quan. Phần tôi, tôi không sợ chết và chết cách nào tôi cũng không ngại. Vì ai cũng phải chết, dù chết trên giường đệm êm ấm chung quanh có các người thân thuộc, hay chết cô đơn một mình trong rừng vắng, trong tù ngục, dù bị án voi dày, giáo gươm đâm chém, dù bị tùng xẻo lột da cũng là chết, cho nên tôi không sợ chết”.

Quan trọng kính tuổi già không nỡ tra tấn đánh đập, truyền giải Cha về ngục. Trong ba tháng rưỡi bị giam giữ, Cha được mọi người yêu mến. Các tù nhân thường nói với nhau rằng: “Một người hiền lành đức độ như vậy mà phải gông cùm giam giữ như một tên gian ác, thật là bất công”.

Cha còn bị tra hỏi và dụ dỗ nhiều lần, nhưng Cha vẫn một mực nhận mình là đạo trưởng đạo Thiên Chúa.

Các quan làm sớ về kinh không buộc tội gắt gao, hy vọng tội nhân chỉ phải nộp tiền phạt vì luật nước cấm không được xử tử những người từ 60 tuổi trở lên.

Vua ở trên luật

Nhưng vua Minh Mệnh ghét đạo, bất chấp những điều luật nhân đạo là truyền thống của dân tộc

Ngày 10-10-1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được lệnh vua: “Tên Lê Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền tả đạo cho dân, phải trảm quyết”.

Một thư ký báo tin ấy cho một giáo hữu. Người này chạy đến nhà giam cho Cha Tùy biết: “Thưa cụ, con đến lạy cụ, xin cụ dọn mình vì đã đến giờ Chúa gọi Cụ”.

Cha Tùy lộ vẻ vui mừng và nói: “Thật tôi không dám trông đợi được ơn cao trọng này, Chúa đã ban cho tôi, tôi cảm tạ ngợi khen Chúa”.

Cha dùng bữa tối như thường lệ, rồi ở lặng một mình cầu nguyện, không tiếp ai để dọn mình về với Chúa.

Sáng hôm sau ngày 11-10, ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Cha phải điệu ra pháp trường ở chợ Quân Ban để chịu xử. Cha vui vẻ hớn hở như người đi dự hội đến nỗi quan quân và dân chúng đều nói: “Chưa bao giờ họ thấy ai đi chịu xử mà can đảm như thế”.

Đến pháp trường, Cha quỳ vào chiếu một giáo hữu đã trải sẵn. Gần chỗ Cha quỳ, lính đóng một thẻ gỗ viết bằng chữ Hán, nghĩa như sau: “Tên Tùy, Lê Tùy quê ở xã Bằng Sở, tổng Ninh Xã, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Tỉnh Hà Nội. Can phạm là người bản quốc, từ lâu theo thói dị đoan, xưng mình là đạo trưởng, lẩn trốn trong dân chúng để truyền tả đạo. Bị bắt và tra xét kỹ càng, tên này bất khẳng khóa quá, vi phạm luật nước. Lệnh vua phải xử chém ngay để răn kẻ khác”.

(Minh Mệnh năm thứ 14, tháng 8 ngày 28).

Đây chính là chứng chỉ tử đạo của Cha Thánh Tùy. Cha phải xử chém ngày 11-10-1833.

Các dấu lạ

Cha quỳ trên chiếu cầm trí cầu nguyện. Ông Bê-na đô Thu là một giáo hữu thân cận với Cha đến xin quan cho phép Cha tiếp tục cầu nguyện thêm. Quan bảo: “Được, khi xong, phải báo cho tôi ngay”. Rồi quan đưa cho Cha mấy quan tiền mà theo tục lệ vua ban cho các tội nhân mua thức ăn hay uống rượu trước khi bị xử. Cha không nhận và tiếp tục cầu nguyện một lúc nữa.

Khi Cha đã dọn mình xong, ông Thu đến lạy Cha bốn lạy và nói: “Bây giờ Cụ sắp được về nơi vĩnh phúc, nơi Cụ đã trông đợi bấy lâu, phần con, còn phải ở lại nơi đây, xin Cụ nhớ đến con”. Đấng tử đạo đáp: “Con hãy vững lòng bền chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”.

Cha cũng lạy ông bốn lạy để đáp lễ, mọi người trông thấy cảnh tượng ấy đều bùi ngùi cảm động. Rồi Cha nói: “Tôi đã sẵn sàng”.

Tiếng thanh la, tiếng trống nổi lên. Một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống và linh hồn Cha bay về trời hưởng phúc vô cùng. Các giáo hữu xin xác Cha đem về an táng tại nhà nguyện Tràng Nua.

Một chứng nhân trong hồ sơ phong chân phúc đã thuật lại rằng: lúc ấy trời đang quang đãng bỗng mây đen kéo đến, bầu trời u ám, mọi người lấy làm lạ nói với nhau rằng: “Ông này linh thiêng làm sao mà trời tối sầm lại”.

Khi Cha bị bắt giam trong ngục, Cha thường cầu xin Chúa và Đức Mẹ cho nhà quê Cha biết tin, nhưng vì đường xá xa xôi, lại đang thời kỳ cấm cách ngặt nên bổn đạo phải trốn tránh không dám đi lại.

Khi Cha được phúc tử đạo rồi, Cha hay làm phép lạ. Chính hôm Cha bị xử, ở làng Bằng Sở quê Cha, động đất dữ dội, ao hồ, nước sông nổi sóng như vũ bão, còn các làng chung quanh bình an yên ổn. Mọi người trong làng sợ hãi không hiểu điềm gì.

Cách ba hôm sau, một lái buôn ở Nghệ An ra, ngủ trọ ở làng Bằng Sở kể truyện rằng: Hồi này trong tỉnh Nghệ An các quan bắt đạo dữ tợn lắm và đang tầm nã các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Nam, cách đây mấy hôm có đạo trưởng Tùy phải trảm quyết, lúc ấy quê Cha mới biết tin, mọi người khóc lóc thảm thiết.

Đến sau đưa xác Cha về Nam Khê để các giáo hữu toàn quốc đến kính viếng. Sau lại đem xác Cha về xứ Yên Duyên, cả làng Bằng Sở lên rước xác Cha về chính quê là Bằng Sở.

Mấy năm sau khi cải táng Cha, có sự lạ này là xác Cha nằm trong nước trong vắt, xông hương thơm ngào ngạt.

Kẻ ốm đau bệnh tật hay gặp sự gian nan khốn khó chạy đến xin Cha giúp đỡ đều được như ý. Chính Đức Cha Mát-xông[3] đã làm chứng điều đó và ông Bê-na-đô là người thân cận của Cha (đã kể ở trên) cũng quả quyết nhiều bệnh nhân tuyệt vọng được khỏi bệnh nhờ ơn Cha.

Về sau tin tức đồn thổi khắp nơi là Cha hay làm phép lạ, nên người ta đến khấn đông lắm; cha xứ và dân làng Bằng Sở chạm trổ một toà bằng gỗ, sơn son thiếp vàng rất đẹp, đặt trên bàn thờ cạnh và để xương người lên tòa ấy. Từ đó, lại không có mấy người đến xin khấn như trước nữa, và nếu có ai đến xin khấn sự gì mà thắp nến, nến liền tắt.

Sau cha xứ và dân làng Bằng Sở cho rằng: có lẽ Cha không ưng để xương thánh Cha ở nhà tòa đặt ngang với cung thánh, nên cha xứ và dân làng lại cho xương thánh xuống gầm bàn thờ như trước. Từ ngày ấy người ta lại nô nức đến kêu xin Cha phù hộ và khi thắp nến không còn bị tắt nữa.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho người ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Ở làng Bằng Sở quê Cha mừng lễ Cha ngày 24-11 là ngày rước hài cốt Cha về quê nhà. Dân làng đã làm một bài vãn gọi là vãn Cha Thánh Tùy kể lại công Đức cha, cái chết anh hùng xưng đạo của Cha và hằng năm đọc lại cho con cháu nghe để noi gương sáng của Cha.

Vãn Thánh Phê-rô Tùy

Kính mừng Cha Thánh Tùy danh thánh

Đức nghiệp dường sánh với non cao

Công phu tày bể rộng biết bao

Trí ngu kiện lường sao cho xiết

Từ sơ sinh giữ mình trinh khiết

Ơn Chúa thương cho biết ý Người

Nên khấn mình trinh khiết trọn đời

Lại đi giảng mọi nơi ngoại đạo

Đức tính người khôn ngoan mạnh bạo

Dẫu gặp thời cấm đạo Chúa Thiên

Dốc một lòng chăn giữ con chiên

Lại đi giảng trong miền tỉnh Nghệ

Nỗi biệt ly sa di xiết kể

Cũng vâng theo thánh ý mọi bề

Lại đành lòng ly biệt quán quê

Khuyên kẻ ngoại trở về đạo chính

Cụ giáo hóa cương thường nghiêm chỉnh

Dủ khuyên răn dĩ tính trừ mê

Để mọi người thờ Chúa một bề

Sau hưởng phúc chính quê chầu Chúa

Lời giảng giải sánh cùng thợ rũa

Ơn tác thành ngọc rũa lò chai

Lòng Thánh Nhân vàng đã chùi mài

Ơn vũ lộ hoa mai thơm phức

Người thêm tuổi càng thêm phúc đức

Vì đạo lành ra sức giảng khuyên

Kẻ lầm lỗi nên sạch vẹn tuyền

Kẻ cơ cận bằng yên hỷ lạc

Đức vũ hóa đượm nhuần lưu loát

Đoàn chiên lành bóng mát tựa nương

Trông ơn người che chở một đường

Cho khỏi phải giò dương lưới mắc

Được êm ấm đôi đường vững chắc

Dẫu gặp thời gió giật sương sa

Nương cây cao bóng cả rườm rà

Lại được thưởng biết bao hoa quả

Lũ sói rừng lòng ghen chẳng thỏa

Chước quỷ ma quấy phá đoàn chiên

Từ năm Minh Mệnh thập tứ niên

———————————————————

Bắt trưởng đạo giáo đồ lưu lạc

Bắt kẻ chăn đoàn chiên nhao nhác

Bắt mọi người phân xáp các nơi

Lại gia hình giết hết mọi người

Cùng cấm cốc chết tươi xiết kể

Cụ Thánh Tùy giảng trong tỉnh Nghệ

Phải một khi đi kẻ liệt về.

Lũ quân do đủ mọi tính mê.

Liền bắt lấy đem về sỉ nhục

Các con chiên xin người cho thục

Người chối rằng là phúc cho cha

Hỡi chúng con hãy ở thuận hoà

Cha về hưởng trên toà thiên quốc

Các quan tưởng người là thầy thuốc

Người xưng mình chẳng thuộc lương y

Chính tôi là trưởng đạo Bắc Kỳ

Hà Nội tỉnh Thanh Trì Bằng Sở

———————————————————

Ở trong ngục gông cùm canh giữ

Vẫn tươi cười xử sự nghiêm hoà

Các lính canh tôn kính là cha

Lại khen người là quân tử

Ba tháng rưỡi quan tâu án xử

Sớ vua ra truyền xử danh Tuỳ

Dám xưng mình trưởng đạo Bắc Kỳ

Trẫm truyền xử y như án cứ

Năm dương lịnh 11 tháng tám

Nên hội này là thảm sầu bi

Thảm thiết thay thương cụ Thánh Tuỳ

Sáu mươi tuổi phải đi chịu xử

Đương khi ấy phải ra chịu xử

Vẫn cam công coi giữ đoàn chiên

Dốc một lòng theo ý Chúa Thiên

Song chỉ những sầu phiền than thở

Bởi quê hương cách trở xa xôi

Nỗi biệt ly than thở cùng ai

Những âm thầm cầu khẩn thiên thai

Hằng xin Chúa cho ngoài quê biết

Các quân quan đem người đi giết

Nó lấy cưa mà xiết gông xiềng

Rồi người quỳ cúi cổ nghiêng nghiêng

Dứt ba tiếng cồng gươm liền thoát

Những mạch máu chảy ra lưu loát

Các con chiên xin xác đem về

Xếp những đồ xiềng tói nặng nề

Liệm xác đoạn đem về Trang Lửa

Cùng ngày ấy trong làng Bằng Sở

Đường xa xôi cách trở biệt ly

Thật bản hương quê cụ Thánh Tuỳ

Liền động đất như kỳ tận thế

Nước các ao vũ như sóng bể

Chẳng khác gì như thể phong ba

Thật trong làng khắp hết trẻ già

Vì chẳng hiểu đều là sợ hãi

Cách mấy ngày gặp người thương mại

Nó xưng mình quán tại Nghệ An

Vua mới truyền cấm đạo rõ ràng

Những tầm nã Tây Nam đạo trưởng

Bắt được ai thì vua liền thưởng

Độ vừa rồi có trưởng đạo Tuỳ

Nó bắt người giam chấp một khi

Ba tháng rưỡi đủ kỳ luận giết

Hỡi cha ơi thật là thảm thiết

Tình cha con ly biệt dường này

Cha khuyên răn những sự thảo ngay

Giảng đạo chính sao rầy nên thế

Ngắm xác thánh táng trong tỉnh Nghệ

Nỗi biệt ly cách bể cùng sông

Khúc nhôi này lục bát thành tâm

 Lòng đơn bạc âm thầm thảm thiết

Ngắm xác thánh dâng mình trinh khiết

Phép lạ người kể xiết là bao

Kẻ âu sầu bệnh tật liệt lào

Công đức ấy non cao đáng thánh

Rầy Toà Thánh lại phong chức thánh

Rước xác người về cảnh Nam Khê

 Khắp nước Nam tôn kính mọi bề

 Rồi mới rước người về Bằng Sở

Khắp trẻ già đều là hớn hở

Biết lấy gì mừng rỡ cho đang

Sức vội vàng chưa kịp sửa sang

Lời quê kịch hai hàng chúc tụng

Giọng nôm na ngâm nga vài phút

 Chúc mừng rằng vạn phúc liên liên

Rước mừng người từ dưới Yên Duyên

Khắp cả xã rước lên Bằng Sở

Hết mọi người trẻ già nấc nở

Biết lấy gì mừng rỡ xiết bao

Ngắm xác người cao trọng dường nào

Ấy mới biết thánh danh thanh thánh Rầy

 Toà Thánh lại phong chức thánh

 Thảm sầu này nên cảnh rất vui

Đã sáu mươi tám năm rõ ràng

Còn nhớ đến những người công chính

Ấy mới biết đạo nào tà chính

Khắp nước nam tôn kính mừng người

Nhưng nay mừng khắp hết mọi nơi

Đến mừng lễ mọi người chúc kính

Lạy Thánh Cha chung thiêng đức tính

Cảnh trâu hiền đức tính quang trân

Phần con mọn cải xác thành tâm

 Lạy Thánh Cha cao đại vĩnh phúc

Xin tưởng về những lúc gian nan

Lại xin về những lúc lầm than

Cần đạo chính tìm đàn chiên lạc

Đức nghiệp cha lưu loát khôn lừng

Xin tưởng về đến chốn bần hương

Được trường cửu phú cường khảng khái.


[1] Jacinto Castaneda.

[2] Lemothe.

[3] Masson

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Related Articles