Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô

Ngày 8 tháng 2
THÁNH GIÊRÔNIMÔ ÊMILIANÔ, LINH MỤC,

VÀ GIÔSÊPHINA BAKHITA

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.

a/. Thánh Giêrônimô Êmilianô

Thánh Hiêronimô sinh tại Venise nước Ý vào năm 1481 trong một gia đình đạo đức. Vào tuổi trưởng thành như bao chàng trai khác thời đó, Thánh Hiêronimô gia nhập quân đội Ý để cùng với đất nước bảo vệ miền Castelnovo và miền Quero, thành phố đang bị địch quân chiếm đóng. Như các người lính khác, thánh nhân bị địch bắt làm tù binh và Ngài được Mẹ Maria cứu thoát một cách lạ lùng. Thánh nhân có một tấm lòng bác ái siêu vời, vì thế, Ngài hướng về các trẻ em mồ côi, những trẻ em bị mất cha mất mẹ, giáo dục và yêu thương chúng theo tinh thần Kitô giáo. Bắt đầu công việc bác ái từ thành Venise, thánh nhân rảo qua các miền khác như Brescia, Berfame, Côme và hướng dẫn, điều hành nhiều viện mồ côi và nhiều hội đoàn bác ái. Với tinh thần quảng đại, lòng bác ái vị tha, sự quan tâm yêu thương người nghèo, trẻ mồ côi, thánh nhân đã dừng chân ở Somasque, một miền quê hẻo lánh tại Bergame.

Năm 1518 khi vừa được 37 tuổi Ngài thụ phong linh mục và hiến mình làm việc bác ái, chia sẻ mọi lợi quyền cho người nghèo khó. Khi nạn đói, Ngài bán hết đồ đạc trong gia đình để phân phát cho họ. Ngài thuê nhà để qui tụ các trẻ em không nơi cư ngụ, nuôi dưỡng giáo dục và chuẩn bị cho chúng thành những công nhân Kitô hữu biết hòa trọn niềm vui tôn giáo. Chẳng hạn vào những ngày lễ, người ta thấy chúng mặc đồ trắng, từng đoàn dắt nhau đi viếng các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các công trường. Dân chúng mừng rỡ góp phần trợ giúp công cuộc cảm kích này.

Tại Somasque, thánh nhân được ơn soi sáng của Chúa và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đã lập một Hội Dòng mới lấy tên là Somasque và Dòng của Ngài đã được Đức Thánh Cha Piô V phê chuẩn. Dòng của thánh nhân thành lập có mục đích chăm sóc bệnh nhân và lo cho các em cô nhi, các trẻ mồ côi không ai chăm sóc. Năm 1537, Ngài bị lây nhiễm bệnh đang khi hăng say săn sóc bệnh nhân và qua đời lúc 56 tuổi.

B/ Giôsêphina Bakhita

Giôsêphina Bakhita là một nô lệ trong nhiều năm nhưng tinh thần của bà luôn tự do và thanh thản. Giôsêphina sinh tại Olgossa, miền Darfur, Nam Sudan, bị bắt cóc lúc 7 tuổi, bị bán làm nô lệ và được đặt tên là Bakhita (nghĩa là “vận may”). Bakhita bị bán đi bán lại vài lần, cuối cùng là năm 1883, bà bị bán cho Callisto Legnani, lãnh sự Ý ở Khartoum, Sudan.

Hai năm sau, Callisto đưa Bakhita sang Ý và giao cho bạn ông ta là Augusto Michieli. Bakhita giữ con cho Mimmina Michieli, rồi Bakhita cùng Mimmina đến Trường Tân tòng (Institute of the Catechumens) ở Venice, do các nữ tu Canossa điều hành. Khi Mimmina đang học, Bakhita cảm thấy muốn theo đạo Công giáo. Và rồi Bakhita được rửa tội và thêm sức năm 1890, có tên là Giôsêphina. Khi gia đình Michieli trở về từ Phi châu, họ muốn đem Mimmina và Giôsêphina về với họ, Giôsêphina không chịu đi. Trong khi tìm cách kiện tụng, các nữ tu Canossa và thị trưởng Venice can thiệp giúp Giôsêphina. Thẩm phán kết luận rằng việc buôn bán nô lệ ở Ý là bất hợp pháp, và Giôsêphina được tự do từ năm 1885.

Giôsêphina vào Dòng Thánh Mađalêna Canossa năm 1893, ba năm sau Giôsêphina được tuyên khấn. Năm 1902, Giôsêphina được thuyên chuyển tới thành phố Schio (Đông Bắc Verona), ở đây bà giúp nhà dòng nấu ăn, may vá, thêu thùa và đón khách. Giôsêphina được trẻ em và dân địa phương quý mến. Có lần bà nói với họ: “Hãy sống tốt, hãy yêu mến Chúa, hãy cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Được biết Chúa là một hồng ân cao cả!”.

Án phong chân phước cho bà bắt đầu mở từ năm 1959. Mãi đến năm 1992, bà mới được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước và phong thánh vào năm 2000.

II. BÀI HỌC

Qua cuộc đời của hai vị thánh chúng ta mừng kính hôm nay, chúng ta nhận thấy việc Chúa làm thật là kỳ diệu. Đúng như lời thánh Phaolô đã nói: “Tất cả là hồng ân”.

Nhờ việc bị bắt là tù nhân mà thánh Giêrônimô Êmilianô thấy được nỗi bất hạnh và thống khổ của những con người bị bỏ rơi trong cuộc sống để rồi từ đó ngài dấn thân vào công việc lo cho những người bị bỏ rơi này, giúp cho họ có sống xứng đáng với nhân phẩm của con người hơn. Cũng như thánh Giôsêphina Bakhita nhờ sống cuộc đời của một người mang thân phận nô lệ mà Ngài hiểu được những bất hạnh và nỗi khổ đau của những con người bị xã hội đối xử một cách bất công để rồi từ đó Ngài chiến đấu để xóa bỏ đi chế độ buôn bán nô lệ trên thế giới giúp cho mọi người biết đối xử với nhau tử tế hơn theo đúng ý định nhân lành của Thiên Chúa.

Ước gì thế giới này có được nhiều người biết hy sinh chịu đau khổ để cứu giúp những người đau khổ, giúp cho họ có được một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn

Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (Grégoire le Grand) thế kỷ thứ 6 có thuật lại câu chuyện về thánh Paulin, giám mục giáo phận Nola vùng Florence nước Ý.

Thánh Paulain sinh năm 353 và mất vào năm 431. Khi quân Vandales nước Đức tràn sang xâm lược nước Ý, đã bắt một số đông các cư dân khỏe mạnh ở đây bán cho bọn buôn nô lệ. Đức giám mục Paulain đã đem toàn bộ tài sản riêng của gia đình vốn có gốc quý tộc, để chuộc lại tự do cho rất nhiều người. Nhưng đến khi ngài chẳng còn gì nữa thì có một người đàn bà nghèo khổ đáng thương đến khóc lóc van nài: “Lạy ngài, xin hãy cứu lấy đứa con trai duy nhất của con!”

Đức Cha Paulain đành đau xót thú nhận: “Nhưng tôi có thể làm được gì bây giờ ? Tôi đã dùng cạn hết số tiền tôi có để chuộc lấy những kẻ bất hạnh như con của bà mất rồi!” Người phụ nữ quỵ xuống vì tuyệt vọng.

Thánh nhân thầm cầu nguyện rồi quyết định tiến đến, đỡ bà lên mà bảo: “Thôi, bà cứ yên tâm, tôi không còn tiền nữa, nhưng tôi sẽ xin được làm nô lệ thay cho con trai của bà!” Người mẹ bừng lên niềm hy vọng, nhưng chợt tái mặt đi, kêu lên thảng thốt: “Không, không thể như thế được, ngài là giám mục cơ mà ?”

Đức cha ngước mắt đăm đăm nhìn trời, ngài nhỏ nhẹ nói: “Tại sao lại không thể được nhỉ ? Chính Con-Thiên- Chúa cũng đã chẳng tự nguyện trở nên nô lệ vì tất cả chúng ta đó sao ? Hơn nữa, con trai của bà còn trẻ, anh ta có thể mất kiên nhẫn chịu đựng trong cảnh lầm than tủi nhục của đời nô lệ, và vì thế anh ta có thể mất cả Đức Tin. Còn tôi thì trái lại, tôi tin Chúa sẽ giúp tôi giữ gìn được cả hai, linh hồn và thể xác…”

Thế là thánh giám mục Paulain xin nhập vào đoàn người nô lệ. Ngài nói với tên chủ nô là ngài có biết nghề làm vườn rất thông thạo. Hắn quả đang có mối cần mua một người như thế, hắn liền chấp thuận đổi lấy ngài mà thả cho anh thanh niên được về với mẹ…

Sau một thời gian, người chủ đã mua thánh Paulain từ đoàn nô lệ, nhận ra ngài là một người đức độ khôn ngoan, hằng ngày ông thường tìm dịp để nói chuyện với ngài và dần dần học biết giáo lý Đức Ki-Tô.

Một hôm, thánh nhân báo cho ông biết nhà vua xứ Vandales đang lâm trọng bệnh sắp chết, và chắc chắn sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa về những việc tàn bạo đã làm. Lời tiên báo này được truyền tới tai nhà vua, ông ta hốt hoảng, vội cho mời thánh nhân và hỏi xem ngài là ai, tại vì sao lại rơi vào kiếp nô lệ ? Hiểu rõ được sự tình, vua hồi tâm sám hối, ra lệnh trả tự do vị giám mục cùng tất cả những người bị bắt nô lệ ở thành Nola. Vua còn giúp cho họ một chiếc thuyền lớn chở đầy lương thực để trở về cố hương bình an.

Related Articles