Ngày 21/12: Thánh An-rê Dũng Lạc – Linh mục (1795-1839)
Vị tân linh mục trẻ tuổi nhiệt thành
Thày Dũng được gọi về học thần học và ba năm sau, ngày 15-3-1823, thày được chịu chức linh mục mới 28 tuổi. Vị tân linh mục trẻ tuổi, đạo đức, thông thái, hôm ấy cầu nguyện hiến dâng tất cả sức sống mãnh liệt, mọi tài năng ưu tú để mở Nước Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Cha say sưa lao vào cánh đồng truyền giáo, đi ngược về xuôi, lúc nào cũng vui tươi nhanh nhẹn làm chúng ta nhớ đến một hình ảnh sinh động trong Kinh Thánh: “Đẹp thay gót chân người đi loan báo Tin Mừng…”.
Đầu tiên Cha được cử làm Cha phó xứ Đồng Chuối giúp Cha Khiết, rồi lên xứ Đoài giúp Cha Thi 3 năm, lại làm Cha phó xứ Sơn Miêng giúp Cha Thuyết. Sau Đức Cha Giăng-tê (Du) cử Cha làm Cha xứ, nhưng vì khiêm nhường Cha từ chối, nên Đức Cha lại cử Cha làm phó xứ Trọng Thanh độ ba tháng rồi sau Đức Cha cử Cha về làm Cha xứ Kẻ Đầm, bấy giờ Cha đã ngoài 40 tuổi. Khi Cha đến nhận xứ thì xứ đã phải triệt hạ, Cha phải ở nhà bổn đạo, sau Cha lập nhà xứ ở Kẻ Roi.
Cha Dũng rất thương linh hồn người ta, ai gặp Cha cũng mến Cha. Cha giảng giải sốt sắng, nói năng trôi chảy, dễ nghe dễ hiểu, Cha có tài riêng khéo phân xử dàn hòa mọi việc, cả việc đạo cả việc đời, nên giáo dân vâng phục Cha. Cha mặc giản dị, ăn chay mọi ngày trong mùa Chay và các ngày Hội Thánh buộc, lại hàng tuần Cha ăn chay các ngày khác nữa. Khi cấm đạo Cha phải ẩn trốn ở nhà giáo dân, nhưng Cha không chịu ăn của họ, chỉ lấy của mình nuôi mình và các người giúp việc.
Cha thương người nghèo khó cách riêng, dù phải trốn tránh, Cha vẫn thường đi thăm hỏi giúp đỡ họ. Đi làm các phép cho người ốm, Cha đi một mình, không cho ai đi theo, sợ người ấy phải bắt. Cấm đạo ngặt, không đi làm phúc được, Cha sai các thày đi các họ giục bổn đạo đến nơi Cha đang ẩn để xưng tội. Về Kẻ Roi được bảy tháng, Cha phải bắt.
Hồi ấy, một số người Lý Nhâm ghét ông Tổng Thìn có đạo, chúng dẫn lính về Kẻ Roi bắt Cha Dũng để lấy cớ buộc tội ông Tổng Thìn. Vừa làm lễ xong, lính kéo đến, Cha xuống ngồi với bổn đạo, lính bắt Thày Hách vì tưởng là đạo trưởng, bắt người giúp lễ và 30 bổn đạo, chẳng may Cha ở trong số này. Chúng giải Cha lên Phủ Lý nộp cho quan Phủ.
Ông Tổng Thìn đưa quan Huyện Hào Khanh ở Đôn Thứ 6 nén bạc, xin quan lo liệu với quan Phủ cho Cha được tha. Quan Huyện lấy 4 nén, đưa cho quan Phủ hai nén cùng nhận Cha là cậu về Kẻ Roi dự lễ, nên quan phủ tha ngay, còn các người khác phải giam 21 ngày nữa. Từ đấy Cha đổi tên là Trần Văn Lạc.
Cha Dũng phải bắt lần thứ hai và lần thứ ba
Được tha về, Cha Dũng Lạc lại tiếp tục công việc sốt sắng hơn, Cha hay đi thăm các tù nhân bị bắt vì đạo để giúp đỡ an ủi họ. Một lần đi thăm về Cha nói: “Người chết vì đạo được lên thiên đàng ngay, còn Cha cứ phải trốn ẩn, mất nhiều tiền bạc, chớ gì Cha phải bắt và được chết vì đạo thì Cha thật có phúc”.
Tháng nào Cha Dũng Lạc cũng xuống Kẻ Sông xưng tội với Cha Phêrô Trương Văn Thi. Một hôm cả hai Cha bị ông Lý Pháp bắt. Bổn đạo chạy được 100 quan tiền, Cha Dũng Lạc được tha.
Vậy Cha Dũng Lạc đi thuyền trở về gặp mưa to gió lớn, nên định lên nhà ông Khán Độ trú ở đấy. Khi ấy quan huyện nghe tin ông Lý Pháp bắt được đạo trưởng ở nhà ông Khán Độ nên cũng xuống nhà này, quan đang ngồi ở đấy, thì thuyền chở Cha Dũng Lạc ghé vào bờ trước cửa nhà, có người báo tin: quan, quan! Người chở đò tưởng nói đùa, cứ cho thuyền cập bến. Cha vừa lên bờ, lính đến hỏi. “Ông là ai?” Cha xưng mình là đạo trưởng, lính bắt trói Cha còn người chở thuyền vội chạy trốn, hôm ấy là ngày 10-11-1839. Ông Lý Pháp thấy thế, vội vàng giải Cha Thi lên huyện.
Hôm sau người ta giải Cha Dũng Lạc lên huyện, quan Huyện nói: “Tôi không có ý bắt ông, có người tố cáo nên tôi phải đến”. Cha thưa: “Nếu quan không định bắt tôi thì xin quan tha cho tôi”. Quan Huyện đáp: “Việc đã trống rồi, tôi không tha được”.
Quyết theo chân Thánh Phêrô
Bổn đạo lại lo chạy tiền chuộc Cha, Ông Cựu Bình bán cả cơ nghiệp lấy tiền chuộc Cha, ông viết thư xin Cha rằng: “Thưa Cha, Cha chết vì đạo chỉ mình Cha được phúc, còn chúng con bơ vơ, nếu Cha ở lại chúng con được nhờ”. Nhưng Cha cương quyết không nghe, Cha bảo: “Cha bị bắt lần này là lần thứ ba, Cha xin vâng ý Chúa, chúng con đừng chạy tiền chuộc Cha”.
Đức Cha Rơ-to (Liêu) hồi ấy đang ở Vĩnh Trị sai Thày Sự lo liệu tìm cách chuộc Cha Dũng Lạc. Cha ở trong tù viết thư trình Đức Cha rằng: “Thưa Đức Cha, con cũng như Thánh Phê-rô xưa, bị bắt lần thứ nhất, nhờ bổn đạo cầu nguyện con được thoát, lần thứ hai bổn đạo cũng thương cầu nguyện cho con được qua sự gian nan khốn khó, lần này ý Chúa dạy con chịu chết để chứng minh đạo Chúa như thánh Phêrô xưa, xin Đức Cha cho con được bắt chước Thánh Phêrô, xin Đức Cha đừng lo chuộc con“.
Quan Huyện thương tiếc Cha Dũng Lạc. Quan bảo Cha: “Ông có chữ nghĩa, thông thái, còn trẻ, sao lại muốn chết sớm, hãy nghe tôi nhắm mắt khóa quá, hay tôi bảo lính khiêng ông qua ảnh, rồi tôi tha ngay”. Cha Dũng Lạc thưa: “Quan thương tha cho tôi, tôi xin hết lòng cám ơn, còn khóa quá, chúng tôi không dám”.
Bổn đạo kéo đến thăm Cha đông lắm, quan biết tin họ định đánh tháo Cha, quan sợ không cho ai vào thăm nữa. Ba ngày sau, quan đi thuyền giải Cha Dũng Lạc và Cha Thi lên Hà Nội, bổn đạo khóc lóc thảm thiết tiễn các Cha. Quan huyện ngạc nhiên kêu: “Đạo làm sao mà người ta quý mến, tiếc xót cụ đạo đến thế!”. Một người bổn đạo nói: “Thưa quan lớn, vì các Cha chúng tôi dạy chúng tôi ăn ngay ở lành, đừng cờ bạc, rượu chè, hãy thương yêu nhau, sống giữ đạo hẳn hoi, sau lại được hưởng hạnh phúc muôn đời”.
Đến phố Đầm, thuyền đỗ lại, các quan viên mời quan Huyện và hai cha lên quán uống nước. Bổn đạo đến gặp khóc lóc. Cha Dũng Lạc bảo: “Chúng con đừng khóc, phải tuân theo thánh ý Chúa và cầu nguyện cho Cha vững vàng xưng đạo làm sáng danh Chúa. Còn chúng con ở lại, giữ đạo hẳn hoi, thực hành mọi điều các Cha đã khuyên bảo, về sau Cha con sẽ gặp nhau trên trời”.
Từ phố Đầm lên Hà Nội, đoàn áp giải tù đi bộ, Cha Thi già yếu, quan huyện cho bổn đạo thuê võng, Cha Dũng Lạc mang gông đi nhanh chân lắm khiến cai đội điệu Cha tức giận cầm đầu gông kéo thật mạnh làm Cha chúi xuống sắp ngã, bà Tổng Nho đi theo sau thấy thế, phát cho cai đội một cái bảo: “Ông làm gì đấy! Cha có tội gì mà xử tệ như thể”. Bởi vậy, từ đấy trên đường đi Cha được bằng yên.
Tới Hà Nội, hai cha không phải ở lẫn với các tù trộm cướp, nhưng được giam chung một nơi với các quan Phủ, quan Huyện, quan Lang miền thượng có tội. Lính ở đây hẳn hoi hơn, họ biết hai cha hiền lành thì ở rộng rãi, Cha già Thi không phải cùm, Cha Dũng Lạc chỉ phải cùm hai ba tối.
Người ta kéo đến thăm hai cha rất đông, biếu nhiều quà bánh, hai cha chỉ dùng một ít, còn bao nhiêu phát cho lính canh. Mỗi ngày hai lần, Cha Thi và Cha Dũng Lạc đọc kinh chung. Các chị dòng Mến Thánh Giá Kẻ Ải tiếp tế cho hai cha, bổn đạo đưa nhiều tiền cho ông Tổng Thìn để ông lo liệu mọi sự cho hai cha, nhưng các cha cấm không được dọn thịt hay cá to, các cha chỉ ăn cá kho và ăn chay các ngày thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Hai cha đã phải chịu khốn cực vì đạo mà còn lo hãm mình ăn chay để dọn mình đến trước toà Chúa phán xét, Cha Dũng Lạc cũng thương giảng đạo cho các quan phải giam trong tù.
Làm sự ác phải đền tội
Nhân dân về sau mỗi lần nói đến gia đình ông Lý Pháp, ai cũng sợ hãi. Hôm ông Lý Pháp bắt hai Cha, ông tịch thu các đồ thờ phượng, của cải, bổn đạo xin, ông cũng không chịu trả lại. Con gái ông lấy khăn thánh may áo lót mặc đi chợ hôm mồng một tết, về mắc bệnh tả chết ngay. Khỏi hai ba năm ông Lý Pháp bị điên, ăn những thứ nhơ bẩn, năm tháng sau chết khốn nạn. Con cái ông cũng chết trong một thời gian ngắn và dòng dõi ông không còn người nào sống sót. Đúng như lời quan huyện đã nói: “Ai bắt hai cụ, phải chịu tội, tôi vô tội trong việc này”.
Khi phải giam ở Hà Nội, Cha Dũng Lạc vẫn nhớ ơn quan Huyện đã đối xử tử tế với mình, có lần Cha sai một thày giảng và một người bổn đạo đem hũ rượu, 100 viên thuốc và một cái khảm đến cám ơn quan. Quan chỉ nhận rượu và thuốc, quan khen Cha thông minh, đạo đức, thật thà và tỏ lòng mến tiếc Cha. Cha Dũng Lạc dù phải giam khổ sở vẫn còn nghĩ đến trả ơn các người thương mình.
Trước công đường Hà Nội
Hai cha phải tra khảo ba lần. Lần nào Cha Dũng Lạc cũng nói với quan rằng: “Quan có điều gì xin hỏi tôi, còn Cha già này điếc, sợ thưa lẫn”. Quan Án truyền khóa quá, Cha Dũng Lạc thưa: “Chúa là Chúa chúng tôi thờ, lẽ nào chúng tôi lại khóa quá”. Quan bảo: “Tôi sẽ cho lính khiêng hai ông qua ảnh, và hai ông ký án tôi sẽ tha ngay”. Cha Dũng Lạc nói: “Nếu thế quan và chúng tôi lại đồng tình nói dối, tôi không chịu”.
Hôm sau ba quan ngồi xử. Quan Án kể lại cho quan Thượng biết hôm trước hai cha không chịu khóa quá. Quan huyện Bình Lục nói thêm: “Hai ông này thà chết chẳng thà bỏ đạo, ở huyện tôi đã khuyên nhiều lần, nhưng không được. Các ông hiền lành thật thà xin quan Thượng thương”. Bấy giờ quan Thượng bảo: “Hai ông không khóa quá, quan Án sẽ luận tội”. Cha Dũng Lạc thưa: “Thưa quan Thượng, thà chết chúng tôi không thà xuất giáo”.
Lần thứ ba ra công đường, quan Thượng lại bảo hai Cha khóa quá, hai Cha không nghe, lính đẩy Cha Dũng Lạc ngã sấp vào ảnh Chuộc tội, nhưng Cha giơ hai tay chống đỡ, quan quát lính khiêng Cha Dũng Lạc qua ảnh, Cha co chân lên kêu: “Đánh thì đánh, khảo thì khảo,tôi không chịu khóa quá”. Các quan chỉ nói, không tra tấn.
Các quan biết mất công vô ích, nên làm án trảm quyết, và không tra hỏi hai cha nữa.
Về sau Cha Dũng Lạc viết thư rằng: “Có lần quan hỏi chúng tôi đã học với ai làm đạo trưởng”? Vua cấm đạo vì bên đạo bất hiếu, không thờ cúng ông bà, không ma chay cúng giỗ cha mẹ, không lạy cha mẹ; tôi thưa: “Cha mẹ chết, xác thối rữa, chỉ có linh hồn thiêng liêng bất tử ăn uống sao được, bên đạo chúng tôi hằng cầu nguyện cho linh hồn ông bà cha mẹ mọi ngày nhất là ngày giỗ”.
Cha Dũng Lạc biết mình sắp phải xử, Cha tươi tỉnh như khi ở nhà, thấy Cha già Thi ốm đau, Cha yên ủi: “Chúng ta chỉ còn chịu khó ít lâu nữa, sắp đến ngày được về gặp Chúa Cả trên trời”. Cha lại làm thơ từ giã Cha Thực rằng:
“Lạc này đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ nỗi bạn còn vất vả
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn
Đông qua tiết lại thì xuân tới
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng”.
Ở Hà Nội Cha được rước lễ nhiều lần, một hôm ông Tổng Thìn dẫn Cha Trân kiệu Mình Thánh cho hai cha, Cha Dũng Lạc mừng rỡ ra đón chào: “Kính chào Bác, tôi đợi Bác đã lâu, tôi hết lương ăn rồi, bác đưa vào cho tôi, tôi hết lòng cám ơn Bác”.
Thi hành án xử
Ngày 21-12, Cha Dũng Lạc vui vẻ tiến ra pháp trường ở bãi Ô Cầu Giấy, bên đường đi Sơn Tây. Cha mặc áo thâm chùng, vừa đi vừa nguyện ngắm thỉnh thoảng Cha chắp tay hát mấy câu La-tinh. Gần cửa Ô Cầu Giấy, theo thói quen, lính dọn tiệc cho hai cha, Cha Dũng Lạc ăn một hai khẩu mía, Cha già Thi không ăn gì.
Đến nơi Cha quỳ vào chiếu đã trải sẵn. Lý hình nói: “Tôi không biết tội ông thế nào ? Tôi phải làm theo lệnh trên, xin ông tha cho”. Cha Dũng Lạc bảo: “Ông cứ làm việc quan truyền, tôi chỉ xin cho tôi thong thả một chút để cầu nguyện”. Cầu nguyện xong Cha lấy trầu mời lý hình và bảo: “Ông xử cho khéo nhé!”. Lính tháo xiềng, trói Cha vào cọc, khi lính búi tóc Cha, Cha ngẩng cổ lên hỏi: “Thế này đã vừa chưa?” Lính nói: “Được rồi”. Sau tiếng chiêng, đầu Cha rơi xuống đất, bổn đạo xông vào thấm máu, nhổ hết cỏ, lấy hết đất dính máu.
Khi quan quân kéo về thành, bổn đạo đút tiền cho lính canh Cửa Ô, họ đưa xác Cha về nhà bà Lý Quý cạnh nhà thờ, người ta khâu đầu, mặc áo lễ, liệm vào quan tài, rất đông bổn đạo tới dự, tối hôm ấy người ta chôn xác Cha trong nhà thờ.
Cha An-rê Dũng Lạc phải xử ở Hà Nội ngày 21-12-1839. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900. Chúng ta hãy cầu cùng Cha Dũng Lạc cho các người ngoại giáo, để họ biết đón nhận ơn Chúa như Cha xưa; chúng ta hãy bắt chước Cha luôn hăng hái nhiệt thành, khi đã theo Chúa, quyết theo đến cùng, dù gặp gian nan thử thách.
Hằng năm Hội Thánh kính Cha ngày 24-11.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn