Ngày 10/12: Thánh Si-mon Phan Khắc Hòa – Giáo dân (1774-1840)
Ông Si-mong Phan Khắc Hòa sinh năm 1787 ở làng Mai Vĩnh, Thừa Thiên trong một gia đình ngoại giáo. Cha ông tên là Thục, mẹ ông tên là Đáo, còn ông trước tên là Thu sau cải tên là Hòa.
Khi Cha qua đời, mẹ cậu đưa gia đình sang làng Lưỡng Kim, sau lại về Như Lý, Quảng Trị ở với một gia đình có đạo. Ở đây cậu được mẹ cho đi học đạo và năm lên 12 tuổi, cậu được chịu phép rửa tội lấy tên thánh là Si-mong.
Chủ nhà rất thương cậu, cho cậu đi học và giúp các Cha. Cha xứ thấy cậu thông minh, ngoan ngoãn, thì gửi cậu vào tiểu chủng viện. Sau một thời gian bề trên thấy cậu không có ơn Chúa gọi nên cho cậu về thế gian. Cậu Hòa buồn nhưng vâng theo ý Chúa không phàn nàn. Về nhà cậu theo học nghề thuốc và trở thành thày lang nổi tiếng khắp vùng.
Một thày thuốc đạo đức thương người và rộng rãi
Ông lang Hòa dùng nghề nghiệp và tiền của để giúp đỡ mọi người, nhất là những người tàn tật mù què, già nua, và những người sa cơ lỡ bước. Một hôm ông gặp một người phải cảm nằm giữa đường, ông đem người ấy vào điếm canh cạnh đấy, bảo người giúp việc đưa đồ ăn thức uống đến chăm sóc. Ông rất đạo đức nên được bầu làm Trùm họ, ông luôn nêu gương sáng cho mọi người. Ông sinh được 12 người con và chăm lo giáo dục con cái. Ông dùng tiền của dư thừa để giúp việc đạo, tu bổ nhà thờ, làm việc truyền giáo trong thời cấm cách ngặt nghèo.
Cả làng Như Lý xôn xao
Vua Minh Mệnh ra chiếu chỉ cấm đạo ngặt, ai không theo sẽ bị tử hình. Mọi người đều lo lắng, riêng ông lang Hòa bình thản không sợ hãi, ông vẫn giấu Đức cha Quy-ê-nô[1] (Thể) và Cha Đơ-la-mốt[2] (Y) trong nhà.
Năm 1839, cả làng Như Lý xôn xao kinh khủng khí biết ông Lang Hòa dám chứa đạo trưởng. Thấy thế ông Si-mong an ủi dân làng đừng sợ, nếu xảy ra chuyện gì, ông sẽ chịu trách nhiệm. Ngày 20-10 năm ấy, ông viết thư cho Đức cha Quy-ê-nô báo tin cho Đức cha biết có lệnh truy nã ráo riết lùng bắt các cố và ông trình thêm rằng: “Cố Đơ-la-mốt đang trọ ở nhà con làm cả làng sợ hãi, con khuyên họ đừng xôn xao, xin Đức cha cầu nguyện cho con và nếu xẩy ra nguy hiểm nào con cũng vui lòng chịu, dù người khác nhát sợ từ chối Chúa, dựng chùa miếu thờ lạy bụt thần thì mặc họ, riêng phần con, con sẽ giữ đạo đến hơi thở cuối cùng”.
Ông lang Hòa lo lắng thu xếp tận tình cho các Cha thừa sai, nhất là Cha Đơ-la-mốt. Biết việc đã lộ, ông đem Cha Đơ-la-mốt đi trốn. Ông đưa Cha đến làng An Ninh, chẳng may mấy hôm sau quan quân đến do thám bắt người có đạo nên ông cùng với mấy bổn đạo đem Cha xuống thuyền chở đi nơi khác. Thuyền tới làng Hòa Ninh thì trời ập tối, lính canh thấy thuyền thì lớn tiếng hỏi: “Thuyền ai đấy?”Ông lang Hòa mạnh bạo trả lời: “Thuyền tôi”. Họ lại hỏi: “Thuyền tôi là ai?” Ông cất cao giọng trả lời: “Tôi là lang Hò đây”. Họ lại kêu to: “Thuyền lang Hòa hay thuyền ai cũng phải đỗ lại vào bến”. Thấy nguy ông cho thuyền sát vào bờ và tìm cách cho Cha Đơ-la-mốt và mình chạy trốn. Lính đuổi theo bắt được cả hai điệu nộp cho quan huyện Dương Xuân, rồi giải lên tỉnh Quảng Trị, bị giam ở đây hai tháng, bị tra tấn, gông cùm.
Trong nhà tù kinh thành Huế
Ông lang Hòa không khai điều gì để các quan có thể căn cứ vào đấy làm hại làng Như Lý; ở tỉnh tra hỏi không được, các quan giải ông Si-mong Hòa về kinh đô Huế. Ở đây ông phải thẩm vấn 20 lần, bị đánh đập tàn nhẫn. Một lần các quan giục ông bỏ đạo sẽ cho tự do về xum họp với vợ con, ông can đảm trả lời dứt khóat: “Dù mất vợ con, mất của cải, mất sự sống nữa, tôi cũng bằng lòng giữ trọn đạo Chúa”.
Lần khác phải tra khảo đau quá, ông xin phép quan cho nói mấy lời, hy vọng các quan sẽ phục lẽ. Được phép, ông trình bày cho các quan nghe các giáo lý chân thật trong đạo, các quan chẳng những không nghe còn nhiếc mắng thậm tệ cho là những điều dối trá lường gạt thiên hạ nên càng tra tấn dữ tợn hơn.
Khổ hình không làm ông nao núng, trái lại dường như thêm sức cho ông được vững vàng hơn. Ông chỉ phàn nàn đau đớn một điều là ngay các bạn tù có người dỗ dành ông giả vờ bỏ đạo, ông cắt nghĩa lại rõ ràng rằng: “Đạo tôi dạy giữ cả bề trong lẫn bề ngoài và phải xưng ra trước mặt mọi người. Đạo cấm điều gian tà, dối trá nên dù phải chết tôi cũng không thể vâng lời vua mà khóa quá”. Ông ước ao được chết để làm chứng cho Chúa, khi các quan kết án tử hình, ông vui mừng hớn hở. Mỗi lần vợ con hay người nào đến thăm, ông thường khoe mình được diễm phúc chết vì đạo và cho đó là đặc ân quý trọng. Các con đến thăm ông thường khuyên rằng: “Cha yêu quý các con, cha chăm lo săn sóc các con tận tình, song cha phải kính mến Chúa nhiều hơn, các con đừng buồn, nên vâng theo ý Chúa. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, thu xếp việc nhà, bây giờ cha không lo được nữa, Chúa muốn cha chịu khó, cha xin vâng”.
Lần khác, bà Hòa đem đứa con mới được 2 tháng đến thăm chồng, ông bế con nói rằng: “Hôm nay cha thấy con, mai sau con không biết cha”. Về sau biết các quan muốn bắt gia đình, ông đưa tin cho vợ con trốn đi và từ đấy ông không còn gặp vợ con nữa. Trong tù, ông lo giúp các bạn tù phần hồn phần xác, ông khuyên bảo khuyến khích, bắt mạch cho thuốc người ốm đau.
Cầm ảnh Thập giá quăng đi, ta sẽ tha ngay
Công phúc của ông Si-mong Hòa đã dư đầy, ngày 12 âm lịch, năm 21 đời vua Minh Mệnh, vua châu phê án trảm quyết, bêu đầu ba ngày cho mọi người sợ.
Khi điệu ông đi xử , các quan còn cố ép ông Hòa khóa quá. Khi qua khỏi An Hòa, đến Cống Chém gần họ Đốc sơ, quan truyền dừng lại. Cha Ngôn đứng giữa đám đông làm dấu giải tội cho ông.
Lính trói tay ông ra sau lưng, quan bắt ông đạp ảnh và nói: “Hòa ơi, mày ăn ở đâu ? Mày không phải là con dân vua sao? Mày không mạnh hơn vua đâu! Đạp ảnh đi sẽ được về với vợ con, rồi muốn giữ đạo thì mặc ý”. Ông thưa rằng: “Tôi thờ Chúa, tôi không bỏ Chúa”. Quan lại bảo: “Không đạp ảnh thì thôi, hãy cầm ảnh quăng đi ta sẽ tha ngay”. Thưa quan, như vậy cũng là chối Chúa, không trung thành, quan có lòng thương tôi, xin cám ơn. Quan tưởng ông Si-mong Hòa sợ Chúa phạt, nên quan đạp ảnh rồi nói với ông rằng: “Xem đây, ta đạp ảnh, Chúa có phạt đâu, mày cứ làm như ta, đừng sợ”. Ông thưa vắn tắt rằng: “Thưa quan, Chúa sẽ phạt cách khốn nạn đời sau”. Quan hỏi: “Nếu ta kéo mày qua ảnh thì sao?” Ông thưa: “Tôi không bằng lòng, tôi không có tội”.
Cuối cùng ông cương quyết nói với quan rằng: “Quan đừng mất thời giờ vô ích, xin quan thi hành lệnh vua”. Quan nghe thì nổi giận nói: “Nếu có một trăm đứa như mày, ta cũng giết cả trăm đứa trong một lúc”.
Quan ra hiệu chém, lính thi hành ngay, linh hồn ông bay về trời lĩnh triều thiên chiến thắng, đầu ông phải bêu ba ngày theo lệnh vua, để cho mọi người khiếp sợ, nhưng trái lại nhiều người không những không sợ, lại cảm động, khâm phục tinh thần anh dũng của ông Si-mong Hòa người làng Như Lý. Ông Si-mong Phan Khắc Hòa được phúc tử đạo ngày 12-12-1840. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông ngày 27-5-1900, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988
[1] Cuénot.
[2] Delamotte.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn