Ngày 6/12: Thánh Ni-cô-la – Giám mục (khoảng +350)
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Tất cả các Giáo Hội phương Đông đều mừng lễ thánh Nicolas, giám mục thành Myre (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), vào ngày 6 tháng 12. Ở Rôma, việc sùng kính ngài đã được chứng thực từ thế kỷ IX, trước khi hài cốt ngài được di dời từ Myre về Bari (miền nam nước Ý), và được đặt trong vương cung thánh đường Thánh Nicolas từ năm1087. Tại Myre, từ thế kỷ IV, đã có một thánh đường được dựng lên trên mộ của ngài.
Có ít vị thánh được biết đến nhiều trên khắp thế giới như thánh Nicolas. Ban đầu ngài được tôn kính ở phương Đông, sau đó lòng sùng kính ngài mở rộng sang phương Tây: Ý (Bari), Tây Ban Nha (Montserrat), Normandie, Lorraine (Saint-Nicolas-de Port), Đức, Anh, Nga, các nước Bắc Âu và châu Mỹ. Ngài là bổn mạng nước Nga và Lorraine. Ngài cũng được nhận làm bổn mạng của các luật sư, các nhà hàng hải, các tù nhân và trẻ em, đặc biệt trong những nước ở phương Bắc mà mỗi dịp lễ của ngài là một ngày hội cho trẻ em (Ông già Nô-en, Santa Claus, Sinter-Klaes, Saint-Nicolas).
Thế nhưng, tuy thánh Nicolas được biết đến nhiều như thế, chúng ta hầu như không biết gì về tiểu sử của ngài, ngoại trừ việc ngài là giám mục thành Myre (nay là Dembrê, trên bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ), vào nửa đầu thế kỷ IV. Theo truyền thống, có thể ngài đã tham dự Công đồng Nicêa (325), là công đồng đã kết án lạc giáo Arius và tuyên bố Ngôi lời “được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Có lẽ ngài mất khoảng năm 350, thọ ngoài sáu mươi tuổi.
II. Thông điệp và tính thời sự
Trong Lời Nguyện của ngày, chúng ta xin: “Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện của thánh Nicolas, xin gìn giũ chúng con khỏi mọi nguy hiểm.”
Lòng sùng mộ dân gian, được nuôi dưỡng bằng nhiều truyền thuyết, đã biến thánh Nicolas thành một trong những vị thánh “phù hộ”, nghĩa là một vị thánh mà người ta mong đợi sự bảo vệ đặc biệt nào đó. Chính vì thế rất nhiều thánh đường được dâng kính ngài; vương cung thánh đường thánh Nicolas ở Bari đã trở thành trung tâm sùng kính ngài. Nhiều huynh đoàn và hiệp hội chọn ngài làm bổn mạng; và nhiều truyền thuyết kể về ngài như một người có phép chữa bệnh, người bạn của trẻ em và người nghèo hèn. Có bức tranh vẽ ngài đứng với ba đứa trẻ bị ướp muối trong một cái thùng lớn và đã được ngài hồi sinh. Tranh ảnh thánh cũng mô tả ngài với ba túi vàng (ảnh Thánh Nicolas bác ái): của hồi môn cho ba cô gái nghèo. Có khi ngài được vẽ với một cái mỏ neo để nhắc nhớ ngài là bổn mạng những người đi biển.
Tại các nước Anglo-Saxon, thánh Nicolas có tên là Santa Claus, bạn của những đứa trẻ “ngoan ngoãn”, là những đứa sẽ được quà vào ngày lễ của ngài.
Bài đọc 1 của thánh lễ (Kh 3, 14. . .22), Này Ta đừng ngoài cửa và gõ. . .) có thể gợi ý Thánh Nicolas như một người khách bất ngờ, nhưng trước hết hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ đến vị thánh như một mục tử không ngừng lo lắng giúp các tín hữu mở cửa lòng mình ra cho Chúa, Đấng đứng ngoài cửa của mỗi tín hữu. Khi ca ngợi lòng bác ái của thánh Nicolas, truyền thống cho thấy ngài gắn bó với một trong những giá trị Tin Mừng cơ bản của Kitô giáo: lòng nhân hậu.
Phụng vụ Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một bình luận của thánh Augustin về những lời của Chúa Giêsu: “Phêrô, anh có yêu mến thầy không?” “Khi hỏi: Anh có yêu mến thầy không? Hãy chăn các chiên con của thầy, Chúa Giêsu muốn nói: Nếu anh yêu mến thầy, anh đừng nghĩ tới việc nuôi thân mình, nhưng hãy lo nuôi đàn chiên; hãy chăn dắt chúng không phải như là của con, mà là của thầy; nơi chúng, hãy tìm vinh danh Thầy, không phải vinh danh của con; uy quyền của Thầy, không phải uy quyền của con; lợi ích của thầy, không phải của con… Thói xấu mà người mục tử chăn dắt đàn chiên Chúa phải xa tránh trên hết, đó là tìm kiếm lợi ích riêng của mình.” Cũng thế, câu Xướng đáp theo sau bài đọc nhấn mạnh sự cao vời của đức ái: “Luật của đức ái thì hoàn hảo.. Cái nhìn của đức ái thì trong sáng… Hoa quả của đức ái thì chân thật.”
Thánh Nicoas, giám mục thành Myre, được mọi người tôn kính cả ở phương Đông cũng như phương Tây. Từ khi thành phố Bari trở thành trung tâm sùng kính ngài, đã thu hút không những đông đảo khách hành hương, mà cả những cuộc gặp gỡ đại kết và đã xuất hiện tại đây một phân khoa thần học chuyên ngành nghiên cứu truyền thống phương Đông: Học viện Thánh Nicolas. Cũng tại thành phố này, Đức Urbain II đã triệu tập năm 1098 một công đồng với mục đích hiệp nhất hai Giáo Hội Hy lạp và La tinh.
Enzo Lodi