Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
Ngày 4 tháng 12
THÁNH GIOAN ĐAMAS, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ.
Thánh Gioan Damas tên thật là Gioan Mansour, sinh năm 676 tại Damascus, xứ Syria, trong một gia đình Công giáo chuyên làm nghề thu thuế cho nhà vua. Từ ông nội đến cha của ngài đều lần lượt phục vụ trong ngành thu thuế cho chính quyền Persia, Byzantin và Ả rập. Đến lượt Mansour cũng trông coi việc thâu thuế những tín hữu Công giáo để nạp cho lãnh chúa thành Damas. Đến năm 720 thì giáo chủ Hồi giáo mới muốn biến đạo Hồi thành quốc giáo nên cho nghỉ việc tất cả mọi công chức không theo đạo Hồi.
Hầu như toàn thể cuộc đời của Thánh Gioan là sống trong tu viện St. Sabas, gần Giêrusalem, và dưới chế độ của Hồi Giáo. Theo các sử gia, khi Damascus rơi vào tay người Ả Rập, thì tổ tiên của Thánh Gioan là những người duy nhất còn trung thành với đức tin Kitô Giáo và họ được làm việc trong tòa án để giúp vua Hồi Giáo áp dụng luật lệ Kitô Giáo đối với các Kitô Hữu. Sau khi được giáo dục về thần học và kinh điển, Thánh Gioan theo cha ngài giữ một chức vụ trong chính quyền của người Ả Rập. Vài năm sau, ngài từ chức và gia nhập tu viện St. Sabas.
Sau khi nghỉ việc, Mansour lúc bây giờ đã 45 tuổi, bèn làm một cuộc hành hương sang Palestine. Đến Đất Thánh, Mansour cảm thấy được ơn gọi nên xin gia nhập tu viện St. Sabas tọa lạc giữa Jerusalem và Bethlehem. Khi chịu chức linh mục Mansour chọn tên thánh là Gioan. Công việc của Gioan là đi thuyết giảng trong thành Jerusalem.Vị giáo chủ thành Jerusalem thời bây giờ đã chọn Gioan làm cố vấn các vấn đề thần học và làm giảng sư cho tu viện. Tác phẩm chính của ngài là”Nguồn gốc của tri thức” tóm lược nền thần học Byzantine.
Khi có những tranh chấp về việc tôn kính các tượng ảnh thì chính Gioan là đấng đã đứng ra hăng hái bênh vực việc tôn kính các tượng ảnh. Ngoài ra Gioan còn sáng tác nhiều bài thánh ca, những ca khúc cho các dịp lễ lớn và những bài thơ tán tụng Thiên Chúa. Thánh Gioan cũng đã sáng tác các bài ca phụng vụ trong dịp lễ Phục sinh để suy tôn việc Chúa Giêsu sống lại.
Về việc tôn sùng tượng ảnh thánh Gioan Damas đã viết như sau:
“Không phải tôi tôn thờ vật chất nhưng tôn thờ Đấng đã tạo ra vật chất. Đấng mà vì yêu thương tôi và cứu độ tôi, đã mang một nhục thể, đã chọn một hình ảnh vật chất. Đúng vậy: “ Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng tôi… Hình ảnh vật chất đó, tôi tôn kính như cội nguồn tạo ra sức mạnh và ân sủng đến từ Thiên Chúa.”
Ngài nổi tiếng trong ba lãnh vực.
Thứ nhất, về các văn bản của ngài chống với những người không muốn tôn kính ảnh tượng thánh (iconoclast). Thật ngược đời, chính hoàng đế Leo của người Kitô Giáo Đông Phương đã cấm việc tôn kính này, và vì Thánh Gioan sống trong lãnh thổ của người Hồi Giáo nên không ai làm gì được.
Thứ hai, ngài nổi tiếng về luận án, Luận Về Đức Tin Chính Thống, một tổng hợp các văn bản của Giáo Phụ Hy Lạp (mà ngài là người sau cùng). Người ta nói quyển sách này làm nền tảng cho tư tưởng Đông Phương cũng giống như cuốn Tổng Luận (Summa) của Thánh Aquinas làm nền tảng cho Tây Phương.
Thứ ba, ngài là một thi sĩ nổi tiếng, là một trong hai đại thi hào của Giáo Hội Đông Phương.
Ngài rất sùng kính Đức Mẹ và các bài giảng của ngài về Đức Mẹ cũng rất nổi tiếng. Ngài qua đời năm 749. Năm 1890, Đức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên phong ngài là Tiến sĩ của Hội Thánh.
II. BÀI HỌC.
Bài học rõ nét nhất chúng học được ở nơi thánh Gioan Damas là lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ.
“Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ diễm phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy họ ngước mắt nhìn lên Đức Maria”: nơi Đức Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện.(GLHTCG số 29)
Đức Maria có một vai trò đặc biệt trong cuộc đời của thánh Gioan Đamas. Lòng sùng kính Đức Maria đã giúp Ngài nên thánh một cách nhẹ nhàng và chắc chắn.
Chúng ta cũng hãy chạy đến với Đức Mẹ. Thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại”.
Chúng ta học được từ nơi Mẹ Maria rất nhiều điều! Mẹ đã hết sức khiêm tốn, bởi vì Mẹ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ đầy ơn sủng và Mẹ có quyền năng của Thiên Chúa nơi Mẹ: đó là ân sủng của Thiên Chúa.
Ðiều đẹp nhất là khi vừa được Chúa Giêsu bước vào trong đời sống của Mẹ, thì Mẹ Maria vội vàng đi thăm bà Elisabeth, để trao ban Chúa Giêsu cho bà và cho người con mà bà đang cưu mang lúc đó. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm là “con trẻ nhảy mừng” ngay giây phút đầu tiên gặp Chúa Kitô. Mẹ Maria là sợi dây điện đặc biệt nhất. Mẹ để cho Thiên Chúa chiếm hữu Mẹ hoàn toàn, và như thế, qua thái độ sẵn sàng, xin hãy thực hiện nơi tôi theo như Lời Ngài đã hứa, Mẹ Maria được tràn đầy ân sủng và ra đi thông truyền ân sủng đó lại cho Gioan. Giờ đây, chúng ta hãy xin Chúa dùng đến chúng ta, để đi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong những cộng đồng chúng ta, và để tiếp tục nối kết “những sợi dây điện” các tâm hồn con người với dòng điện là Chúa Giêsu.
Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống thinh lặng: Mẹ dạy chúng ta biết làm sao để ghi giữ tất cả mọi sự trong tâm hồn, như Mẹ đã làm ngày xưa, và xin Mẹ dạy chúng ta biết cầu nguyện trong thinh lặng của con tim.
Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống tế nhị: Mẹ đã vội vàng ra đi để phụ giúp cho Bà Êlisabeth. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói cho Chúa Giêsu biết là họ đã hết rượu rồi. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy ý thức về những nhu cầu của người nghèo, nghèo thiêng liêng hay nghèo vật chất, và chúng ta hãy quảng đại trao ban, như Mẹ đã làm gương, trao ban tình thương và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trước.
Mẹ Maria dạy chúng ta sống khiêm tốn: đầy ơn phước, nhưng như là người tôi tớ của Thiên Chúa, Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa, như một người trong chúng ta, một kẻ tội lỗi cần đến ơn cứu chuộc. Như Mẹ Maria, chúng ta chạm đến người sắp chết, người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị chối từ, tùy theo ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận, và chúng ta đừng mắc cỡ và cũng đừng do dự làm những công việc khiêm tốn thấp hèn.(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Lạy Chúa, trong sự khiêm tốn, Mẹ Maria đã nhìn nhận sự khôn ngoan đầy quyền năng của Chúa. Dù bối rối trước sứ điệp của sứ thần và không biết rõ ý nghĩa trọn đầy của sứ điệp đó, nhưng Mẹ Maria đã chấp nhận sứ điệp đó, như là người tôi tớ của Chúa. Còn con đây thì sao, lạy Chúa? Con có thái độ lắng nghe điều Chúa muốn nói với con hay không? Hay là con quá bận rộn lo nói cho kẻ khác nghe? Con có cố gắng biết dự án của Chúa cho đời con, hay là con quá dấn thân lo xây cho mình một tương lai riêng? Và khi con nhận câu trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện của con, thì con có thái độ như thế nào, chạy trốn tránh xa, hay là phó thác trong tay Chúa và quảng đại phân phát những hồng ân mà Chúa đã trao ban cho con?
Lạy Chúa, trong tay Chúa, con xin phó thác hồn con. Amen.