Ngày 31/7: Thánh Phê-rô Đoàn Công Quý – Linh mục (1826-1859)

Cha Phê-rô Đoàn Công Quý con ông An-tôn Đoàn Công Miêng và bà A-nê Nguyễn Thị Trường, dòng dõi quyền quý, nguyên quán Đàng Ngoài, ông đã làm quan, sau không rõ vì lý do gì (1802-1820) di cư vào Nam, đến ở họ Búng, làng Hưng Định, tổng Bình Chánh, Thủ Dầu Một. Chính ở đây, cậu Phê-rô Đoàn Công Quý, con út trong một gia đình 6 anh em, mở mắt chào đời năm 1826 dưới thời vua Minh Mệnh.

Cậu Quý rất thông minh, cha mẹ cho con đi học chữ nghĩa để sau nối dòng. Ai ngờ, được ơn Chúa soi sáng, cậu bỏ hết, đến ở với Cha Tám, Cha xứ họ Búng để tu luyện. Năm 1847, Cha Tám giới thiệu chú với Cha Gio-an Mi-sơ (Mịch). Sau khi đã học La-tinh, Cha gửi chú vào chủng viện Thánh Giuse ở Thị Nghè.

Linh mục thời Tu Đức

Năm 1848, Thày Quý được Bề trên chọn đi du học tại đại chủng viện của Hội Truyền Giáo Pa-ri đặt ở đảo Pi-năng (Mã Lai). Sau 7 năm chuyên cần học tập các khoa để tiến tới chức vụ linh mục và các khoa học khác nữa, năm 1855 thày trở về phục vụ quê hương. Thời ấy vua Tự Đức đang cấm đạo ngặt, thày về để thay thế cho một số chiến sĩ đã hy sinh vì Đức Tin.

Những ngày đầu tiên, Đức Cha Lơ-phe (Ngãi) dạy thày phải tạm ẩn trốn. Rồi Đức Cha cử thày đi dạy trẻ, giúp bổn đạo mới, khuyên bảo những người khô khan ở các họ đạo. Đang thời cấm cách, thày phải cải trang đi từ Lái Thiêu đến Thị Nghè. Ít lâu sau Đức Cha truyền các chức nhỏ, rồi chức năm, chức sáu. Trong ba năm tập sự thày đi rất nhiều nơi. Thày đã qua làng Vĩnh Phúc, Rạch Giá, đến họ Năng Gù thuộc Long Xuyên. Năm 1858 đời Tự Đức, năm 32 tuổi, thày được thụ phong linh mục.

Muốn tự nộp mình để cứu con chiên

Sau một thời gian truyền giáo ở Lái Thiêu, Gia Định, Biên Hòa, Cha Phê-rô Quý được cử làm phó xứ Cha Tùng ở xứ Cái Mơn (Vĩnh Long). Cha ở đây được ba tháng, ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, quan thày dòng Mến Thánh giá Cái Mơn, hai Cha không dám đến đây làm lễ vì đang cấm đạo ngặt. Cha Tùng làm lễ ở nhà ông Hớn, Cha Quý làm lễ ở nhà chú Hòa. Lễ xong, các chị dòng vừa về, thì lính đến vây nhà dòng bắt đạo trưởng. Hai Cha chạy thoát, không bắt được ai, lính bắt bà nhất Lành, chị Ngọ và một số chị khác giải về Long Hồ, Vĩnh Long.

Cha Quý thương các chị phải bắt bớ, tra tấn và Cha cũng ước ao được chịu khó vì Chúa, nên định ra mặt cứu các chị, nhưng giáo dân không bằng lòng. Cha Bô-ren (Hòa) nghe tin ấy, viết thư cấm Cha không được liều mình. Cha vâng lời. Trong bức thư viết cho Cha Bô-ren Cha đã tỏ rõ lòng mình ước ao phúc trọng ấy: “Thưa Cha, con không được ra pháp trường chịu chết cho sáng danh Chúa sao? Con muốn xiềng xích nên như dây chuyền quý báu và cùm sắt nên như vòng vàng con đeo. Các bạn con đã thắng trận toàn công, chỉ mình con như người lính còn sót lại. Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con được phúc tử vì đạo”.

Ở Cái Mơn, Cha cải trang đi làm phúc các họ xa gần.Thường Cha mặc quần ngắn, áo cánh, đầu đội khǎn vải. Khi đi đường thỉnh thoảng Cha nói một hai câu pha trò, hay hỏi mua buồng cau, nải chuối, nhờ thế Cha thoát được cặp mắt rình mò của mọi người.

Vâng lời dẫn đến phúc tử đạo

Bề trên muốn tránh nguy hiểm cho Cha nên cử Cha đến họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang. Cha vâng lời đi ngay và đức vâng lời đã dẫn Cha đến phúc tử đạo. Thực thế, Cha đến đây được 10 hôm thì bị bắt.

Ngày 27-12-1858, Cha về đến nhiệm sở mới, sau khi thụ phong linh mục mới được ba tháng. Ở đây Cha gặp Cha Péc-nô (Dinh) đang ẩn ở nhà ông Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng là trùm họ Đầu Nước. Cha này trốn thật kỹ, ban ngày không dám ra khỏi nhà, vì quan quân tầm nã ráo riết Tây dương đạo trưởng, còn Cha Quý là người Việt Nam, dễ trà trộn, Cha đi lại an ủi và giải tội cho giáo dân.

Ở Cù Lao Giêng có hai anh em là Nguyễn Văn Mưu và Nguyễn Văn Nến, họ biết Cha Péc-nô ẩn ở nhà ông Em-ma-nu-en Phụng. Muốn được thưởng, họ lên Châu Đốc báo với ông Cao Hữu Dực là Tổng đốc An Giang. Quan sai quân lãnh binh đem quân vây nhà ông Phụng ngay đêm hôm ấy. Thấy quan quân kéo đến Chợ Thủ, ông Biện Phượng nghi ngờ vội xuống Cù Lao Giêng cấp báo. Ông Ga-bi-ri-e Trần Văn Vị đưa Cha Péc-nô đi ẩn ở đám rừng lau sậy. Cha Quý nán lại dọn đồ đạo, sợ chủ nhà bị vạ lây. Đang khi ấy lính đã vây kín.

Quan ập vào bắt ông Phụng phải nộp Tây dương đạo trưởng, ông Phụng nhất định không nhận, vì thế quan truyền lính trói ông tra tấn. Cha Quý sợ ông phải liên lụy vì mình, nên ra mặt nhận mình là đạo trưởng. Quan bảo: “Không phải, người ta tố giác là Tây dương đạo trưởng”. Cha Quý bình tĩnh đáp: “Ở đây không có Tây dương đạo trưởng, chỉ có tôi là đạo trưởng. Ai muốn học đạo đến với tôi”.

Quan quân thấy Cha còn trẻ thì không tin, sau họ nạt nộ đứa bé 8, 9 tuổi, nó sợ quá, khai chính người là đạo trưởng.

Cha bị trói ngay, lúc ấy khoảng 2, 3 giờ sáng ngày 7-1-1859, ngày lễ Ba Vua. Ông Phụng và mấy chục người đàn ông trong họ cũng bị bắt và bị trói. Rồi quan ra lệnh triệt hạ nhà thờ, tịch thu đồ đạo. Trời vừa sáng, quan bắt mọi người trong làng khóa quá, nhưng không một ai nao núng. Sau quan thương tha cho các chị dòng, đàn bà và trẻ em. Quan chỉ bắt Cha, ông Phụng và 36 người đàn anh trong làng. Cha Phê-rô Quý vui mừng vì được phúc trọng này, nhưng Cha không khỏi buồn vì tại mình mà chủ nhà và giáo dân phải khổ.

Cha Phê-rô Quý trúng tuyển

Ngày 8-1-1859, Cha đến Châu Đốc phải ra công đường ngay. Ở đây ba quan Tổng đốc, Bố chính, Án sát đã chờ sẵn. Các quan thẩm vấn, dụ dỗ, dọa nạt nhưng thấy mất công, nên truyền tống giam Cha và ông Phụng vào ngục.

Trong các cuộc tra khảo, các quan đòi đối xử với Cha lịch sự vì biết Cha là vị chân tu lại có học thức. Thấy không thể nào làm Cha khuất phục nên ngày 8-1 quan Tổng đốc đã kết án Cha phải trảm quyết và đệ vào kinh. Sáu tháng chờ đợi, Cha Quý đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình để đón phúc trọng đại. Cha Tùng, Cha Khánh và Cha Vọng thường cải trang vào ngục giải tội và kiệu Mình Thánh cho Cha. Vì quan Tổng đốc có thiện cảm với Cha nên cho phép bổn đạo tới thăm viếng giúp đỡ, Cha cũng nhờ dịp này khuyên bảo họ và các tù nhân có đạo. Lời Cha nói bấy giờ có sức hấp dẫn lạ thường mà người ta bảo đó là vì tâm hồn Cha hoàn toàn hướng về trời chờ đợi ngày vinh phúc.

Ngày 18-2-1859, Pháp chiếm thành Gia Định, Cha đã sợ người Pháp ép buộc vua Tự Đức phải tha tù có đạo mà mình mất phúc tử đạo, nên Cha viết thư xin Cha Bô-ren cầu nguyện nhiều cho mình.

Trước khi chết, Cha viết một bài thơ từ giã mẹ, lời lẽ sâu xa, cảm động. Phần đầu, Cha tỏ tình nhớ thương mẹ, phần sau Cha kể chuyện mình như sau:

Khi con tới An giang tạm nghỉ,

Gặp chầu Trời mở hội khoa thi,

Nên con phải liều thân ứng cử,

Ấy là Thiên Chúa chi sở nhiên;

Nhân tất trùng chi nhi dĩ hỉ,

Dầu trăng trói gông cùm tù rạc;

Chốn ngục hình xiềng tỏa chi nài,

Miễn cam lòng vui chịu một bề;

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử,

Chí con dốc đền công ơn Chúa;

Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha,

Xin miễn từ chớ chấp phiền hà;

Mẹ ở lại lần hồi ngày tháng;

Việc hôm mai cần cán giữ gìn

Gắng công phu việc Chúa kính tin;

Hằng khắc kỹ dẹp an ba giặc:

Nẻo tam cừu thìn mình chớ mắc

Giữ mười răn cẩn mật đừng sai;

Dẫu đời này ly biệt bao nài,

Sau ắt cũng một nhà vầy hiệp.

Ngày 30-7-1859, tỉnh nhận được án đã châu phê từ Huế gửi vào, thế là vua Tự Đức đã cấp bằng tử đạo cho Cha Phê-rô Nguyễn Công Quý. Cha Phê-rô Quý trúng tuyển cùng với ông Em-ma-nu-en Phụng.

Từ lúc đó các quan cẩn phòng nghiêm ngặt vì sợ đạo trưởng có phép thần thông biến hóa hay bổn đạo dùng áp lực đánh tháo. Vì vậy trước cửa ngục ở ba chặng, đặt ba Thánh giá để bổn đạo không dám bước qua.

Hôm sau ngày 31-7, quan quân kéo vào ngục điệu Cha Phê-rô Quý và ông Em-ma-nu-en Phụng đi xử. Một tên lính ra oai đấm mạnh vào ngực Cha, Cha bình thản vui chịu và bảo ông Gio-an Bắp-tít-ta Chính (ông này là người giúp đỡ Cha trong tù) lấy áo đẹp để Cha mặc, lấy khăn dài để Cha đội đầu.

Đoàn áp giải đi ra phía cửa thành, Cha đi giữa hai hàng lính, trước Cha là một người lính cầm thẻ án, quan Giám sát đi sau.

Đi được một đoạn người lính cầm thẻ lại rao to: “Tự Đức thập tam: An Giang Tỉnh, kỷ tị niên, thất ngoạt sơ nhị nhật.”

Thẻ: Đạo trưởng Đoàn Công Quý, trùng gian đạo, bất khẳng khóa quá, vi phạm quốc pháp, luật hình trảm quyết. Tư thẻ.

Ông Trùm Phụng cũng phải điệu đi xử với Cha. Ra khỏi ngục Cha bảo ông rằng: “Này ông Trùm, Chúa muốn chúng ta chiến đấu lần sau cùng. Ta hãy can đảm chịu khó vì Chúa”. Rồi hai người hớn hở đi ra pháp trường. Mọi người theo xem rất đông, ai cũng ngạc nhiên và khen ngợi lòng dūng cảm của hai chiến sĩ Chúa Ki-tô.

Đến pháp trường là xóm Chà và gần cây mét, bây giờ là khu đất trước nhà thờ Châu Đốc, trước đài kỷ niệm của hai đấng, đoàn áp giải dừng lại. Bổn đạo vây quanh, từ giã Cha. Cha cám ơn mọi người và dặn: “Hỡi anh chị em, anh chị em hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, giữ đạo vững vàng, bỏ các tính hư thói xấu, tập đàng nhân đức”. Và quay về phía ông Phụng, Cha bảo rằng: “Con quỳ xuống ăn năn tội, Cha ban phép giải tội cho”. Rồi Cha cầm mẫu ảnh Đức Mẹ, hộp đựng xương thánh áp vào ngực, lấy khăn đội đầu đưa cho ông Chính. Ông này lạy Cha ba lạy và thưa rằng: “Cha về chầu Chúa trước, xin nhớ đến con”. Quan Giám sát thấy cảnh tượng ấy thì động lòng nên cũng chờ cho xong.

Ba hồi chiêng vang lên, lính chém đầu Cha, phải chém ba lần mới đứt, lúc đó là 9 giờ sáng ngày 31-7-1859, Cha thọ 33 tuổi, mới thụ phong linh mục 10 tháng. Tuy thế Cha đã đầy công phúc, Chúa đưa Cha về trời để Giáo Hội Việt Nam có thêm một đấng cầu bầu mạnh thế trước tòa Chúa.

Ông Chính lấy vải đã sắm sẵn thấm máu Cha và xin phép quan cho chôn cất. 7 giờ tối quan bằng lòng. Thi hài Cha Phê-rô Đoàn Công Quý được đem về mai táng trên nền nhà thờ họ Nǎng Gù. Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho Cha Phê-rô Đoàn Công Quý ngày 2-5-1909.

Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày tử đạo của Cha, hài cốt Cha được đưa về Chủng viện Cù Lao Giêng. Một đài kỷ niệm xây trước nhà thờ làng Búng là quê hương Cha.

Dòng họ Cha sau này còn dâng hiến cho Giáo Hội nhiều linh mục là các Cha Đoàn Công Triệu (1936), Đoàn Thanh Xuân (1954), Đoàn Quang Đạt (1956) và nhiều tông đồ giáo dân nhiệt thành.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Related Articles