Ngày 23/04: Thánh Giorgiô tử đạo (thế kỷ thứ IV)
Ngày 23 tháng 4
Thánh Giorgiô tử đạo
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.
Thánh Giorgiô sinh tại Lydda, Palestine năm 280. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được cha mẹ giáo dục đạo đức và can đảm.
Lớn lên, ngài theo cha vào quân đội. Chẳng bao lâu, nhờ sức khỏe, tài năng và lòng can đảm nhiệt thành, ngài được thăng cấp sĩ quan: chỉ huy đoàn vệ binh hoàng gia.
Lúc hoàng đế Diocletianô ra chiếu chỉ cấm đạo, thánh nhân bị bắt cùng với nhiều người khác. Trước mặt hoàng đế, ngài mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin Chúa và can đảm chỉ trích nhà vua lầm lạc; thờ lạy bụt thần ma quỷ là những vật không đáng tôn thờ.
Nhà vua nổi giận quát mắng ngài, hăm dọa sẽ cách chức và giết ngài nếu ngài không chịu chối Chúa bỏ đạo. Sở dĩ ông ta có nới tay với ngài, vì ngài là một sĩ quan tài đức gương mẫu trong triều đình.
Lợi dụng thời gian còn được tự do, thánh nhân bán hết gia tài phân phát cho người nghèo, phóng thích nô lệ, chuẩn bị tâm hồn.
Ít lâu sau, nhà vua truyền gọi ngài vào, tìm đủ cách dụ dỗ ngài. Nhưng ngài thẳng thắn trả lời:
Tôi là người tin theo Chúa. Tôi không ham thích gì ở đời này. Tôi chỉ mong được phần phúc đời đời.
Thế là thánh nhân bị đem đi hành hình. Người ta cột ngài vào bánh xe, cho ngựa kéo chạy lăn lóc ngoài đường. Da thịt rách nát, máu chảy đầm đìa!….Sau đó, người ta bỏ ngài vào ngục.
Tương truyền, khi ngài bị bỏ vào ngục. Chúa đã chữa ngài lành mạnh và hứa sẽ trợ giúp để ngài chiến thắng ma quỷ.
Sáng hôm sau, nhà vua truyền dẫn ngài ra. Và ông ta hết sức ngạc nhiên khi thấy thân thể ngài lành lặn như trước và hơn nữa lại còn chịu đến đền thờ để thờ các vị thần. Lòng ông ta tràn ngập vui mừng, hy vọng sẽ cảm hóa được ngài. Vì thế, ông ta bảo dân đến tụ họp ở đền thờ. Chính ông ta cũng đích thân đến đó.
Khi người ta dẫn thánh nhân đến trước tượng thần Apôllô, ngài hỏi:
– Ngươi có phải là Thiên Chúa để chúng tôi thờ không?
Tương truyền thuật lại, tượng thần lên tiếng:
– Không, tôi không phải là Thiên Chúa. Chỉ có Đấng ông thờ mới là Thiên Chúa thật.
Và thánh nhân làm dấu thánh giá, tượng thần liền bể vỡ tan tành…
Thánh nhân đã được phúc tử đạo ngày 23 tháng 4 sau khi đã cầu nguyện cho mình và cho những kẻ hãm hại mình. Thánh Giorgiô được các quân nhân và hướng đạo sinh chọn làm bổn mạng vì tính can đảm, anh hùng và gương mẫu của Ngài
II. BÀI HỌC VỀ TẤM GƯƠNG CAN ĐẢM CỦA THÁNH GIORGIÔ.
Xin gửi đến anh chị em những tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày lễ bổn mạng thánh Giorgiô của ngài tại Roma lúc 10 giờ sáng 23 tháng 4 năm 2013.
Ðồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha tại Nhà nguyện Paolina hôm đó trong dinh Tông Tòa có hơn 45 Hồng Y cư ngụ tại Roma, và một số chức sắc thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Ðầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện các Hồng Y chúc mừng lễ bổn mạng Ðức Thánh Cha và nhắc lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của thánh Giorgiô:
– Người đã từ bỏ chức vụ sĩ quan cấp cao trong quân đội của hoàng đế Roma, để trở thành chiến binh của Chúa Kitô. Thánh nhân cởi bỏ binh giáp để mặc lấy áo giáp đức tin và đức ái. Ðức Hồng Y Sodano cầu chúc Ðức Thánh Cha được hồng ân sức mạnh Kitô mà Chúa Thánh Linh phú cho các vị tử đạo trong mọi thời đại. Chính hồng ân sức mạnh Thánh Linh đổ tràn tâm hồn viên sĩ quan trẻ Giorgio của quân đội Roma, đã giúp thánh nhân đương đầu với mọi khó khăn trong việc từ bỏ binh nghiệp để trở nên môn đệ Chúa Kitô, phân phát tài sản của mình cho người nghèo.
Ðức Hồng Y niên trưởng nói thêm rằng: “Cùng với Ðức Thánh Cha, chúng con cũng cầu xin ơn sức mạnh Kitô cho những người đang còn chịu đau khổ vì đức tin, như thời thánh Giorgio. Như cách đây mấy ngày, Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng con rằng thời kỳ của các vị tử đạo vẫn chưa chấm dứt!”.
Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc, Ðức Thánh Cha ghi nhận một số điểm:
+ Trước tiên là chính lúc Giáo Hội bị bách hại, thì cũng là lúc bùng lên công trình truyền giáo của Giáo Hội: các tín hữu Kitô bị bách hại như thế đã đi tới tận miền Felicia, đảo Cyprus, và Antiokia, để công bố Lời Chúa. Họ mang trong mình lòng nhiệt thành tông đồ và nhờ đó đức tin được phổ biến. Và khi đến Antiokia, các tín hữu ấy đã bắt đầu nói với cả những người Hy Lạp. Chính Thánh Linh đã giúp họ có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp, đã thúc đẩy họ đi xa hơn nữa!
+ Ðức Thánh Cha còn nhận xét rằng: Tại Jerusalem bấy giờ, có những người nghe tin về điều ấy, thì cảm thấy căng thẳng, và họ đã gửi Barnaba đến “thanh tra tông tòa”; với một chút tinh thần khôi hài, chúng ta có thể nói cuộc thanh tra tông tòa của Barnaba ấy là khởi điểm thần học của Bộ giáo lý đức tin! Nhưng thánh Barnaba đến nơi đã thấy mọi sự tốt đẹp. Giáo Hội trở thành một người Mẹ có nhiều người con, người Mẹ cho chúng ta đức tin, mang cho chúng ta căn tính. Căn tính Kitô chính là sự thuộc về Giáo Hội.
Về điểm này, Ðức Thánh Cha Phanxicô phê bình lập luận của những người cho rằng mình muốn sống với Chúa Giêsu chứ không muốn sống với Giáo Hội; thật là một điều tách biệt vô lý khi muốn theo Chúa Giêsu ngoài Giáo Hội, yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội”. Chính Giáo Hội là Mẹ ban Chúa Giêsu cho chúng ta, trao tặng chúng ta căn tính: căn tính này không phải chỉ là một ấn tích, nhưng là sự thuộc về Giáo Hội”.
+ Cuối cùng: Ðức Thánh Cha cảnh giác thái độ chiều theo hoặc thỏa hiệp với thế gian, tìm an ủi nơi trần thế mà không ý thức về những bách hại và khó khăn. Ngài nói: “Nếu chúng ta muốn tiến bước một chút trên con đường trần thế, thương thảo với thế gian – như những người Macabê xưa kia khi bị cám dỗ muốn thực hiện, thì chúng ta sẽ không bao giờ được sự an ủi của Chúa. Và nếu chúng ta chỉ tìm an ủi, thì đó chỉ là một sự an ủi hời hợt, chứ không phải là ơn an ủi của Chúa, chỉ là một sự an ủi của phàm nhân. Giáo Hội luôn tiến bước giữa Thập Giá và sự Phục Sinh, giữa bách hại và sự an ủi của Chúa. Ðó chính là hành trình của Giáo Hội: ai tiến trên con đường này thì không ai lầm”.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành tông đồ, thúc đẩy chúng ta tiến bước, như anh em với nhau! Hãy tiến bước, mang theo danh Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh là Mẹ chúng ta. Amen.