Ngày 07/04: Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Lựu – Linh mục (1812-1861)
Cha Phê-rô Lựu sinh năm 1812, ở quận Gò Vấp, gần thành phố Sài Gòn. Ông Nục, cha cậu, là bổn đạo gốc, người tỉnh Bình Định, đến Gò Vấp buôn bán rồi kết bạn và sinh cậu ở đấy. Năm lên 4 hoặc lên 5 tuổi, cậu Lựu theo mẹ về quê, ở xứ Xóm Quan, thuộc tỉnh Bình Định. Đến năm 16 hoặc 17 tuổi, cậu được cha mẹ đưa đi gửi Cha Thân coi sóc dạy dỗ. Cha vừa là chú, vừa là cha đỡ đầu của cậu. Về sau, Cha chịu tử đạo ở Đà Nẵng.
Cha Thân nuôi dạy cháu độ hai, ba năm, rồi cho cháu đến sống với một Cha ngoại quốc, Cha Lơ-phe (Ngãi). Về sau, Đức Cha Quy-ê-nô (Thể) lại đưa cậu Lựu về sống với mình. Nhận thấy cậu có nhiều đức tính và nhiều khuynh hướng tốt, năm 1838 hoặc 1839, Đức Cha cho cậu sang Pi-năng du học. Thày Tuyết cùng học với Thày Lựu 7 năm, khoảng nửa thế kỷ sau, khi đã là linh mục, làm chứng rằng: “Tôi thấy Thày Lựu rất chăm học, giữ luật cặn kẽ, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng và siêng năng chịu các phép bí tích. Tính tình ngay thẳng và dè dặt, thày không tham gia vào những trò chơi ồn ào; vì lòng bác ái, thày sẵn sàng giúp đỡ các bạn, có khi vá áo sống cho họ nữa; phần thày thì khiêm tốn lúc nào cũng bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình.
Học xong chương trình cổ điển và một phần chương trình thần học, Thày Lựu trở về Bình Định. Năm 1844, khi địa phận Đàng Trong được chia làm hai là địa phận Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong, Đức Cha Lơ- phe làm Bề trên địa phận Tây Đàng Trong. Người gọi Thày Lựu về, vì thày đã sinh ra ở địa phận này. Đức Cha Quy-ê-nô bằng lòng.
Thày Lựu vào ở Chợ Quán một năm, trọ nhà Thày Ngôn, và được Đức Cha hướng dẫn học nốt chương trình thần học. Sau đó, thày đi Lái Thiêu, ở nhà Thày Đông, chịu phép cắt tóc và các chức nhỏ. Từ bấy giờ, Đức Cha sai thày dạy giáo lý cho các bổn đạo mới.
Chịu chức phó tế đoạn, Thày Lựu được cử đi với Cha Tuyết giúp các giáo hữu miền Đầu Nước, ở gần biên giới Cao Miên. Cha Tuyết là một trong ba vị linh mục đạo đức và hăng hái hoạt động nhất hồi ấy đã kể lại rằng: “Trong suốt thời gian giúp tôi, Thày Lựu nhiệt thành tìm đến và khuyên dạy các bổn đạo mới; thày thích dạy kinh bổn cho các trẻ em và tận tâm thu họp những người có đạo đang sống rải rác lẫn với những người ngoại giáo. Thày được phép ở bất cứ nơi nào có bổn đạo mới và có thể lập được một họ đạo. Không bao giờ tôi thấy thày tỏ ra khô khan trễ nải hoặc có điều gì đáng trách. Thày dạy đạo ở những làng xa xôi, nhưng năng đến gặp tôi để xưng tội”.
Thầy Lựu chịu chức linh mục
Đức Cha Mi-sơ (Mịch) truyền chức thánh cho Thày Lựu ở xứ Cái Mông, rồi giao cho Cha mới coi sóc miền Mặc Bắc. Cha thường xuyên đi thăm các họ đạo ở liên tiếp nhau đến Rạch Giá và Cà Mau. Khoảng một năm sau, có hai người giáo hữu xấu là ông Hiệp và ông Nhẫn với một người ngoại giáo tên là Bền, cùng nhau lên hầu quan cai tỉnh Vĩnh Long để tố giác Cha Lựu. Quan tỉnh sai một quan cấp dưới mang lính đi bắt ngay. Nhưng khi họ đến Mặc Bắc, Cha Lựu không còn ở đấy nữa. Theo lệnh Đức Cha Lơ-phe, Cha đã ra đi từ hai, ba ngày trước để đến nhận xứ Sa-đéc. Thế là Cha Minh vừa tới Mặc Bắc, đã bị bắt thay Cha Lựu; cả ông Giuse Lựu cũng bị bắt cùng với Cha Minh.
Phần Cha Lựu đi đến đâu cũng tỏ rõ lòng sốt sắng và các nhân đức của mình. Cha Tuyết kể lại rằng: “Hồi ấy, mẹ tôi qua đời ở xứ Cái Mông, tôi về đây xin Cha Lựu cho phép để xác 5 ngày rồi tôi về làm các lễ nghi an táng xứng hợp cho mẹ tôi”. Cha Lựu trả lời như sau: “Tôi rất tiếc không thể chiều Cha trong việc này, nhưng phải theo luật Đức Cha dạy. Vậy xin Cha vui lòng tha thứ. Đàng khác, nếu tôi để Cha làm như vậy, thì khi những người khác đến xin phép một việc tương tự, tôi từ chối thế nào?” Cha Tuyết vui lòng theo ý Cha Lựu chẳng những không phàn nàn, lại khen ngợi Cha Lựu đã làm gương sáng cho mình về tinh thần giữ luật.
Cha Tuyết còn kể một mẩu chuyện nữa về nhân đức tiết độ của Cha Lựu thế này: “ít lâu nay, Cha Lựu quen uống một chút rượu sau khi ăn cơm. Một hôm, tôi gặp Cha đang đi thuyền trên sông Cửu Long. Cha mời tôi ăn cơm với Cha trong thuyền ấy. Lúc tráng miệng, Cha mời tôi uống một cốc rượu, tôi từ chối. Thế là Cha đổi ý ngay mà chân thành nói rằng: Cha không uống rượu ư? Quả thật, rượu là món dư thừa khiên ta ngủ say; đàng khác, uống rượu không phải là làm gương sáng. Rồi tôi thấy Cha cầm chai rượu đập mạnh vào mép thuyền cho vỡ và vừa ném xuống sông vừa nói: Thế là xong, từ nay không phải uống rượu nữa. Mà thật, từ hôm ấy, Cha bỏ hẳn, không bao giờ uống rượu”.
Ông Trùm Gio-an Nguyễn Văn Đông quen biết Cha hồi ấy đã tả chân dung Cha như sau:
“Trông dáng điệu Cha nghiêm nghị và đạo hạnh, Cha nói năng ôn tồn và từ tốn, cả những lúc thẳng phép sửa phạt người khác. Cha thường xuyên liên hệ với các ông trùm ông quản, nhưng đối với người nữ, Cha chỉ giao tiếp khi có việc cần thực sự”.
“Cha đầy lòng bác ái, lúc nào cũng sẵn lòng thương giúp các giáo hữu nghèo. Là một Cha xứ nhiệt thành, Cha tận tụy tập cho các con chiên mình quen rửa tội cho các trẻ em ngoại đạo sắp chết, khuyến khích những người tốt lành nên sốt sắng và khuyên giục những người khô khan siêng năng chịu các phép bí tích”.
Bấy giờ ở xứ Sa-Đéc có ông Trùm Hiếu, làm nghề sơn thuyền, bỏ lâu không xưng tội. Cha Lựu sai người gọi ông vào gặp Cha một vài lần, lần nào ông cũng nhanh nhẹn thưa lại rằng: “Vâng, vâng, con xin vâng lời Cha”, nhưng rồi ông vẫn tiếp tục bỏ xưng tội. Một hôm, Cha sai mấy người giáo hữu đi tìm và đưa ông vào nhà xứ gặp Cha ngay. Ông Hiếu đang sơn thuyền, tay còn dính đầy nhựa trám, vừa chạy đến nơi, Cha Lựu nhẹ nhàng trách ông, rồi giúp ông xét mình. Thế là ông đã xưng tội và Cha Lựu giải tội cho ông ngay lúc ấy.
Các giáo hữu xứ Sa-Đéc nhớ kỹ và thường kể lại chuyện ông Quản Thi, vừa làm quản giáo, vừa làm trưởng thôn, một lần bị Cha đe phạt, mà rồi Chúa cho lời đe ấy xảy ra thật. Ông Thi sống bừa bãi và hay thù vặt, thường cậy quyền thế để ăn ở lỗi phép công bằng. Ông đã bị cảnh cáo nhiều lần mà cũng không chịu sửa đổi tính tình. Mấy ông trùm ông quản khác, là các bạn ông, khuyên can và phê bình ông, thì ông phạt họ phải đeo gông.
Cha Lựu thấy ông Thi ngoan cố như vậy, đã lên tiếng công khai quở trách ông trước mặt mọi người rằng: “Ông đàn áp các anh em mình như thế, thì rồi Thiên Chúa sẽ trừng phạt ông và các con ông như đã trừng phạt dân Do Thái ngày xưa”. Không đầy một năm sau, ông Thi bị điên, phải nhốt ở chuồng trâu nhà mình và bị bỏ rơi ở đấy, chịu khổ cực cho đến chết; các con ông chơi bời dâm đãng, phung phá hết của cải rồi ra nghèo túng bệ rạc.
Cha Lựu đặc biệt quan tâm thăm viếng giúp đỡ anh em trong tù
Cha Lựu nhiệt thành thương các linh hồn nên hay tìm cách vào các nhà tù thăm viếng, giải tội cho những người bị giam và kiệu Mình Thánh cho họ. Phải can đảm liều mạng sống mình mới lo toan được những việc nguy hiểm ấy. Tuy vậy, chẳng những Cha Lựu thản nhiên, mạnh dạn và vui vẻ ra vào nhà tù, Cha còn cảm thấy tận đáy lòng mình niềm khao khát được đổ máu vì Chúa Kitô. Cha thường khuyến khích các ông Trùm ông quản bị giam trong các nhà tù Vĩnh Long rằng: “Đàng nào cũng phải chết, và ai cũng phải chết, nên tôi khuyên anh em hãy can đảm theo gương Chúa chúng ta. Chết như Chúa là cái chết đáng cho ta ước ao nhất”.
Lần khác, Cha nói với Cha Minh rằng: “Cha thật là con người hạnh phúc, còn tôi khổ cực biết bao! Người ta tìm bắt tôi, nhưng không may cho tôi, vì tôi đã ra đi từ 18 ngày trước, thế là Cha chiếm mất triều thiên chiến thắng của tôi!”
Ít lâu sau, Cha muốn vào thăm hai chị nữ tu nhà dòng Cái Mông, chị Mát-ta Lành và chị Ê-li-sa-bét Ngọ, cũng bị giam ở nhà tù Vĩnh Long.
Bấy giờ đang là thời kỳ cấm đạo ngặt, các quan sai đặt Thánh giá ở khắp các đường lối có nhiều người qua lại nhất; ở mỗi cổng thành, đặt một cây lớn hơn, không ai có thể vào thành mà không bước lên trên. Cha Lựu đến nơi, gọi lính trong đồn ra, biếu ít tiền và nhờ họ nhấc cây Thánh giá lên để người có lối đi vào. Lính cất Thánh giá đi ngay, không nói một lời giải thích. Thực ra dùng phương thế này rất nguy hiểm, vì nếu người ta chưa quyết chắc Cha theo đạo thì cũng có đủ lẽ để nghi ngờ. Nhưng Cha Lựu đã làm như thế nhiều lần mà vẫn bình an. Khi có lệnh ngặt hơn, lính canh giữ gắt gao hơn, Cha không vào thành được nữa, thì tìm cách liệu cho các tù nhân được ra. Cha đón họ vào thuyền của mình và giải tội cho họ. Thỉnh thoảng, chính Cha cũng lấy làm bỡ ngỡ sao mình hoạt động tự do và táo bạo thế mà vẫn được bình an. Cha tự hỏi: “Không biết tại sao các quan chưa bắt tôi?”
Cha ở Sa-Đéc ít lâu rồi lại được đổi đi Mỹ Tho. Ở tỉnh này có Cha Thiềng 80 tuổi và một số người có đạo đang bị giam trong tù. Cha Lựu mang 100 quan tiền biếu ông Huy là quan cai các nhà tù rồi xin quan cho vào thăm người nhà trong đó. Thế là đến Mỹ Tho, Cha Lựu vẫn dùng một phương pháp như ở Vĩnh Long, Cha có lý mà nghĩ rằng “cái lý tiền bao giờ cũng là lý hay nhất”. Cha xin thế nào, ông Huy cũng bằng lòng cho cách dễ dàng. Cha Lựu vội nắm ngay lấy dịp tốt này để giúp các anh em trong tù. Mọi việc đều êm xuôi được ít lâu. Bỗng một hôm, có người lính tên là Bảy không cho Cha vào thăm các tù nhân như thường lệ. Cha bỏ đi không nói lời gì thêm. Lần sau, Cha đến cổng nhà tù thì gặp một người lính khác hỏi Cha có việc gì và có quan hệ thế nào với những người có đạo trong tù mà hay tới thăm họ như vậy. Cha nhận mình là họ hàng bà con với những người ấy. Lần này Cha cũng không được vào. Hai lần bị từ chối với bấy nhiêu câu hỏi báo hiệu cho Cha biết đã có người nghi ngờ và bắt đầu theo dõi mình. Một biến cố sắp xảy ra càng tăng thêm mối nghi ngờ của những người lính canh, và là lý do khiến Cha bị bắt.
Sự vô ý của loài người, nhưng biến cố xảy ra là do Chúa quan phòng
Một hôm, Cha Lựu vừa ra khỏi thành thì có anh Danh vẫn giúp Cha Thiềng trong tù, mang thư của người tới trao cho Cha. Cha Lựu cầm cất ngay vào túi đang xách ở tay, nhưng vì vô ý để thư rơi xuống đất. Ông Cử Hợi là trưởng đội cai tù trông thấy thế lấy làm lạ hỏi Cha là ai, thư đánh rơi kia là thư gì. Cha Lựu không mảy may lưỡng lự, thản nhiên đáp lại rằng: “Tôi theo đạo Gia-tô và là đạo trưởng”.
Lập tức, ông Hợi sai lính bắt Cha và giải đi nộp cho quan Án. Bấy giờ quan Bố, quan Án và quan Binh là ba quan lớn của tỉnh Mỹ Tho đang hội họp với nhau. Họ hỏi đến đâu, Cha Lựu thưa đến đấy:
– Có phải ông theo đạo Gia-tô không?
– Phải.
– Ông có chức gì không?
– Tôi là đạo trưởng.
– Ông ở đâu? Ở làng nào?
– Tôi không ở chỗ nào nhất định, bất cứ nơi nào có người theo đạo Gia-tô, tôi cũng tìm đến.
– Cha mẹ ông ở đâu?
– Cha mẹ tôi đã qua đời, gia đình chỉ còn môt mình tôi.
– Ông đã sang bên tây đi học chưa?
– Tôi không sang tây, mà chỉ đi học ở đảo Pi-năng.
– Ai cho ông lên chức đạo trưởng?
– Đức Cha Đa-minh Lơ-phe.
– Ông này đang ở đâu?
– Theo lệnh của vua, Đức Cha về bên tây rồi.
Các câu trả lời trên đây đều dựa theo sự thực nhưng nhờ Cha khéo nói quanh, nên không gây liên lụy đến ai và không một người nào bị tố cáo.
Các quan truyền Cha đạp ảnh Chuộc tội. Cha can đảm thưa lại rằng: “Đạo Chúa đã ngấm vào tận xương tủy tôi, tôi bỏ sao được? Các đạo đồ và các giáo hữu còn không được phép chối bỏ Đức Tin, phương chi tôi là đạo trưởng, là Cha của các giáo hữu”.
Cha bị giam vào tù bấy giờ đã chật ních các bổn đạo. Cha phải giam ở đây lâu ngày lâu tháng, cổ đeo gông, đêm đến, thêm cái cùm khóa hai chân. Dù vậy, lúc nào Cha cũng dùng lời nói việc làm để làm gương sáng cho các con cái mình đang chịu bách hại vì Chúa. Mọi người đều thấy Cha hay quỳ đọc kinh sốt sắng, hoặc ngồi dưới đất, đan giỏ rồi phát cho các bạn tù để họ bán lấy chút tiền tiêu. Thế là trong cảnh nghèo thực sự, Cha vẫn có cách giúp đỡ người khác, thể hiện tấm lòng bác ái của mình.
Cha Lựu phải tra hỏi nhiều lần. Một hôm, có ông quan hỏi Cha rằng: “Sao ông dám phản vua và theo đạo ngoại quốc? Sao ông nhẹ dạ tin đạo ấy của bọn man rợ bên tây sang? Sao ông dại dột ăn bánh phép của họ để rồi mù quáng đi lại với họ thế này?”.
Các quan cũng hỏi Cha về cuộc viễn chinh của quân đội Pháp. Các quan hiểu sai về vai trò của họ, và hiểu nhầm người có đạo, nên đề nghị Cha liệu cách cho họ rút lui ra khỏi nước ta. Dĩ nhiên, Cha Lựu thưa lại rằng mình không biết đến việc chiến tranh, và không có uy thế gì mà liệu được việc ấy.
Sau hết, có lần quan Án bảo Cha như sau: “Chiếu theo luật nước, tội của ông nặng lắm, vậy ông hãy khóa quá, hãy bỏ đạo, tôi sẽ làm giấy xin vua xử khoan hồng, chắc chắn vua sẽ giảm bớt hình phạt cho ông, vì tội ông thật đáng chết”.
Cha Lựu thản nhiên đáp lời quan rằng: “Tôi giữ đạo Gia-tô từ thuở bé. Phép đạo không dạy tôi làm điều gì phản quốc hại dân. Thế mà quan truyền tôi bỏ đạo, tôi thấy lệnh này trái với lẽ phải”.
Đứng trước con người bình tĩnh và bất khuất như vậy, các quan kết án tử hình cho Cha Lựu.
Ông An-tôn Nguyễn Văn Sang kể lại rằng: “Đúng hôm ấy tôi đến thăm Cha Lựu. Cha vẫn vui vẻ như thường, khi tôi xin Cha ban phép lành, Cha bảo tôi rằng: “Cụ chưa biết hôm nào mới được chết””. Ông Trùm Hảo, anh Danh và những người có đạo khác, cùng bị giam với Cha kể lại rằng đêm hôm trước ngày phải xử, độ 1 giờ sáng, Cha Lựu mơ thấy mặt trời rơi xuống chân mình lúc ấy đang bị cùm; Cha gọi ngay ông Trùm sang, kể cho ông nghe câu chuyện lạ này.
Cha Lựu được phúc tử đạo
Một hôm, trong tháng 4 năm 1861, khoảng 8 giờ sáng, quan sai lính vào nhà tù, lớn tiếng đọc bản án xử Cha Lựu phải tử hình. Rồi người ấy cởi xiềng tháo cùm cho Cha, chỉ để lại cái gông đeo cổ, và giải Cha ra sân.
Đã có một quan dẫn đầu 50 người cầm giáo mác chờ sẵn. Họ xếp thứ tự như sau: quan đi trước, tiếp theo là lính xếp hàng hai; giữa hai hàng lính này lại có ba người xếp hàng một bước đi liên tiếp: đó là người rao thẻ án, rồi đến Cha Lựu và sau cùng là Lý hình. Người rao án cầm thẻ ghi mấy hàng chữ này: “Nguyễn Văn Lựu là đạo trưởng không chịu bỏ đạo và bất khẳng khóa quá. Triều đình khép án nó phải tử hình”. Vị tuyên xưng Đức Tin đi tiếp theo, cổ đeo gông, hai tay trói quặt lại sau lưng. Người lý hình đi cuối cùng, một tay cầm gươm để chém và tay kia cầm đầu một sợi dây thừng đang trói Cha Lựu.
Tới pháp trường, ở một cánh đồng đất đỏ, giới hạn trên mạn Bắc bằng một rặng cây to, cách thành Mỹ Tho độ 1.600 bước, gần đường cái quan chạy dài từ Mỹ Tho đến Sài Gòn, đám người đi xử dừng lại; lính dàn sang hai bên đường; có người trải một chiếc chiếu xuống đất, vị tuyên xưng Đức Tin quỳ vào chiếu, cầu nguyện độ 10 phút.
Theo thói thường, người ta quen cắm cọc xuống đất để trói người bị xử vào, nhưng lần này không thấy giữ thói quen ấy, có lẽ vì Cha Lựu bảo không cần làm thế, vô ích.
Cha vừa cầu nguyện xong, thì một người lính tháo gông cho Cha. Quan ra lệnh xử, một người lính khác đánh ba tiếng trống, lập tức lý hình vung gươm lên rồi hạ xuống rất nhanh: chỉ trong nháy mắt, sau một nhát gươm, đầu vị tử đạo đã lăn trên mặt đất, nói lên Đức Tin trung thành của mình đối với đạo Chúa Kitô.
Theo những tư tưởng mê tín dị đoan của họ, bao nhiêu lính tráng bỏ chạy hết, mong chóng thoát ra khỏi pháp trường, vội vã trở về thành, vì nếu chậm trễ, họ sợ bi oan hồn của người chết về bắt.
Chỉ còn một người lính ở lại canh xác; hơn mười giáo hữu đã theo đám xử từ xa, đã chứng kiến cảnh máu đổ đầu rơi vừa diễn ra; họ vào tận nơi, biếu người lính canh 5 quan tiền để xin xác Cha Lựu về. Lính bằng lòng nhận tiền, giao xác Cha cho họ, rồi ra về.
Độ 30 giáo hữu ở các họ đạo xung quanh như: Xoài Mút, Ba Giông, Thủ Ngư, kéo nhau đến. Xác Cha vẫn còn nằm trên chiếu, vương đầy máu, đầu Cha đã lăn ra xa khoảng 60 phân. Các giáo hữu lấy vải thấm máu đem về giữ. Ông Trùm Vân lắp đầu vào cổ, rồi mấy người giáo hữu bọc xác Cha vào chiếu chờ mấy người khác đang đi liệu quan tài. Những người này liệu được nhanh chóng và trở về đấy ngay. Họ đặt xác Cha vào quan tài, đặt cả chiếu thấm đầy máu vào đấy. Họ cũng cạo hết đất thấm máu Cha cho vào quan tài. Cách nơi xử độ 24 bước, họ đào hố, chôn quan tài, đặt gông bên cạnh, trên đầu và dưới chân, đặt một bình sành để về sau, khi chuyển hài cốt đáng tôn vinh của vị tử đạo, có thể nhớ đúng chỗ mà không sai nhầm.
Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong Cha Phê-rô Lựu lên bậc chân phúc. Giáo Hội tôn vinh Cha, giáo dân khắp nơi hân hoan nhớ ơn Cha nhất là ở địa phận Mỹ Tho.
Hiện nay, ở chính nơi Cha Lựu đã đổ máu tế lễ mình, đã dựng một đài kỷ niệm rất đẹp bằng đá hoa cương, còn xác cha được đặt giữa lòng nhà thờ Vĩnh Tường, Mỹ Tho.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha Phê-rô Nguyễn Văn Lựu lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn