Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo

Ngày 23 tháng 2
THÁNH POLYCARPO SMYRNA

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Theo truyền thống, thánh Polycarpe (có nhiều hoa trái) sinh khoảng năm 70, là môn đệ của thánh Gioan Tông Đồ và là thầy của thánh Irênê thành Lyon. Như thế, ngài đã tạo một dây liên kết giữa Giáo Hội nguyên thuỷ của các Tông Đồ với các thế hệ Kitô hữu sau này của Giáo Hội Tiểu Á và – nhờ vào môn đệ của mình là Irênê thành Lyon – nối kết với xứ Gaule.

Là giám mục thành Smyrna, ngài đón nhận Ignatiô thành Antiochia, người bị dẫn độ đến Rôma để chịu cực hình tử đạo. Theo thánh Irênê, thánh Polycarpe thích nhắc lại liên hệ của mình với thánh Tông Đồ Gioan và “những người đã thấy Chúa”. Ngài nhắc lại các lời nói của họ về đề tài Đức Giêsu và ”sau khi nhận tất cả từ các chứng nhân của Ngôi Lời Hằng Sống, ngài đã nhắc lại đúng như Sách Thánh”.

Thánh Ignatio thành Antiochia, trong Lá thư gởi cho Polycarpe, đã động viên người bạn thân yêu của mình như thế này: “Hãy vững vàng như đe dưới búa. Một lực sĩ vĩ đại không thể thất bại dưới những cú đập như thế, nhưng phải thắng”. Thánh Polycarpe cũng đã chiến đấu cho đến khi bị thiêu sống để làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô. Khi Tổng trấn đề nghị: “Ta thề, ta sẽ thả ông ra, nếu như ông nguyền rủa ông Kitô của Ông!” Vị thánh giám mục đã trả lời: ”Đã 86 năm tôi phục vụ Người và không bao giờ Người làm một điều gì xấu cho tôi. Làm thế nào tôi có thể xúc phạm Vua của tôi, Đấng cứu tôi ?”

Theo “lá thư của các Kitô hữu thành Smyrna” về cuộc tử đạo của thánh Polycarpe, vị thánh giám mục này bị thiêu trên giàn củi ở hý trường Smyrna, vào ngày Sabbat, vào giờ thứ 8, ngày 23.02.155/156, trước mặt toàn dân. Lúc đó ngài khoảng độ 86 tuổi. Kỷ niệm này được ghi trong Hạnh các thánh tử đạo của thành Nicomédie (361). Những người Syrie, Byzantin và Copte đều mừng lễ này. Phương Tây, lễ nhớ thánh Polycarpe xuất hiện vào thế kỷ thứ VI, cho đến lần canh tân Phụng Vụ cuối cùng, Thánh lễ mừng vào ngày 26.01.

Sau khi Polycarpe bị thiêu, các Kitô hữu đến lượm xương còn lại, đặt vào một nơi đáng kính, nơi mà họ thường tụ tập “trong hân hoan và niềm vui để cử hành ngày lễ giỗ cho ngài”.

II. BÀI HỌC

Khi nói về cuộc đời của thánh Polycarpo, thánh Ignatio chỉ tóm lại trong một câu: “ trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy.”

Polycarpo đã nên thánh bằng con đường đó và tôi tưởng đó cũng là con đường những ai muốn nên thánh cũng phải theo. Khi Chúa Giêsu tuyên bố “Thầy là đường” thì Ngài đã muốn trở thành linh đạo cho mọi người.

Thánh Ignatiô còn nhận xét “linh đạo của Polycarpo đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi.”

Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có “bộ mặt bộc trực”.

Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, ngài lại rất khoan dung và tôn trọng.

Khi đối diện với sự bách hại Thánh Polycarp cũng làm như Ðức Kitô đã làm. Khi đối diện với khổ đau Ngài luôn can đảm

Nhà cầm quyền khuyên nhủ Ngài: – Hãy thương lấy thân mà khinh miệt ông Kitô tôi sẽ trả tự do cho ông. 

Nhưng thánh Polycarpô trả lời:

– Đã tám mươi sáu năm tôi phụng sự đức Kitô và người chỉ ban sự lành cho tôi, làm sao tôi có thể phạm thượng tới Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc tôi được ? 

Dân chúng la hét ghê rợn, nhà cầm quyền nói:

– Tôi có nhiều thú dữ, tôi sẽ thả ông vào cho chúng ăn thịt. 

Thánh Polycarpô điềm tĩnh trả lời:

– Ông hãy cho chúng tới đây. 

Nhà cầm quyền mất bình tĩnh nói:

– Vì ông khinh thú dữ, tôi sẽ thiêu sống ông, nếu ông không đổi ý. 

Vị tử đạo trả lời:

– Ông đe tôi bằng thứ lửa chỉ thấy có một lúc . Ông không biết thứ lửa đời đời dành cho bọn bất lương sao ?

Và mặt Ngài sáng rực ánh sáng trên trời. Viên nhiếp chính cho người hô lớn ba lần:

– Polycarpô xưng mình là Kitô hữu. 

Nghe vậy, lương dân và người Do thái đòi mạng Ngài, Họ tố cáo:

– Nhà đại tiến sĩ của Á Châu, cha các Kitô hữu, kẻ phá hoại các đền thờ thần minh của chúng ta đó. 

Ba ngày trước, thánh Polycarpô đã được thị kiến thấy gối mình bốc lửa và đã tin cho các bạn biết mình sẽ bị thiêu. Bây giờ Ngài nghe dân chúng la ó:

– Đốt nó đi.

Và dân chúng lấy củi chất thành giàn thiêu, Ngài điềm nhiên xem họ làm.

Khi mọi sự đã xong Ngài cởi áo, cởi giày, cầu nguyện. Ngài thờ lạy Chúa cứu thế và tạ ơn Người đã cho mình được chết vì đạo.

Binh sĩ đốt lửa. Ngọn lửa bao quanh thánh Polycarpô và thân thể Ngài sáng chói như vàng bạc. Người ta ngửi thấy mùi hương thơm quí giá. Sau cùng một mũi giáo đâm thẳng vào thân xác đang bốc cháy và các Kitô hữu thấy linh hồn Ngài như cánh chim bồ câu bay thẳng lên trời cao.

Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. “Chứng từ” tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.

Từ khi thánh Inhaxiô qua đời, thánh Pôlycarpô đã trở thành khuôn mặt sáng giá nhất của Kitô giáo Đông phương. Ngài đã trở thành giám mục Smyrna khoảng năm 96. Inhaxiô, sau khi gặp Ngài đã viết cho Ngài rằng: 

– “Hãy giúp đỡ người khác như Chúa đã trợ giúp Ngài… Hãy cầu nguyện không mệt mỏi… hãy như các lực sĩ mang lấy các yếu đau của mọi người, bởi vì người lực sĩ chiến thắng bất kể mọi cú đánh xâu xé thân mình”.

Related Articles