Ngày 13/02: Thánh Phao-lô Lê Văn Lộc – Linh Mục (1830-1859)
Cha Phao-lô Lê Văn Lộc là một linh mục địa phận Đàng Trong, sinh năm 1830 tại làng An Nhân, tỉnh Gia Định, miền Nam. Cậu bé được phúc sinh bởi cha mẹ đạo đức sốt sắng, trung thành tuân giữ luật Chúa. Nhưng chẳng được bao lâu, Chúa lần lượt gọi cả cha mẹ cậu về đời sau, cho nên mới lên 10 tuổi, cậu đã mồ côi. Một linh mục Việt Nam là Cha già Lợi nhận cậu Lộc vào nhà Chúa, cho cậu học hành và dạy cậu tập nhân đức.
Hai năm sống trong nhà xứ của Cha già Lợi, cậu Phao-lô Lộc đã tấn tới nhiều trong việc học hành và luyện tập các nhân đức. Cha xứ nhận thấy cậu có nhiều khả năng làm linh mục, nên xin cho cậu vào học ở Tiểu chủng viện Cái Nhum. Sau một năm chuyên cần học tập với Đức Cha Lơ-phe[1] (Ngãi), năm 1843, cậu Phao-lô Lộc được Đức Cha cử đi du học ở chủng viện Pi-năng. Tại đây, dù còn nhỏ tuổi, dù lạ người lạ cảnh, cậu Phao-lô Lộc luôn tỏ ra xuất sắc cả về mặt kiến thức và nhân đức.
Sau 7 năm, năm 1850, Thày Phao-lô Lộc trở về nước để làm việc. Các Cha giáo ở chủng viện Pi-năng viết thư cho Đức Cha địa phận nhà thì khen Thày Phao-lô Lộc là người có tương lai đầy hứa hẹn. Về đến nhà, thày được Bề trên cử lo việc dạy giáo lý cho bổn đạo. Thày thi hành phận sự này rất chu đáo, và thu được nhiều kết quả tốt. Thày không sợ cãi lẽ với những người thông thái, với cả các nhà sư nữa. Lần nào thày cũng thắng lý. Họ bắt bẻ đạo cách nào thì thày cũng vẫn trả lời khôn khéo, sáng suốt và rất hợp lý. Đây cũng là thời gian thử thách ơn kêu gọi của các chủng sinh trước khi được chịu chức, người ta quen gọi là thời kỳ giúp xứ. Sau đó, Thày Phao-lô Lộc được chịu các chức nhỏ. Rồi thày tiếp tục chăm lo việc dạy giáo lý cho các bổn đạo mới và khuyên người ngoại giáo trở lại.
Thày Lộc cảm thấy sức khỏe mình kém đi rất nhanh nên xin, và được Bề trên ưng cho phụ trách dạy những thiếu niên đang chuẩn bị đi Pi-năng du học. Nhóm này trước ở huyện Thọ Đức, sau chuyển về Thị Nghè. Đây là một công việc tầm thường, không vẻ vang gì, nhưng thày vẫn chăm chỉ tận tụy một cách lạ lùng khiến mọi người phải bỡ ngỡ. Thày viết rất đẹp nên cũng khéo dạy cho học sinh viết chữ vừa rõ vừa đẹp. Nhẫn nại không ai bằng, thày thường nhắc lại đến 50 lần, có khi đến 100 lần những điều cần dạy cho học sinh thông thuộc ngữ pháp tiếng La-tinh.
Ít lâu sau, Thày Lộc được chịu chức phó tế. Đức Cha Lơ-phe kể lại rằng: “Thày Lộc càng tiến tới gần chức thánh, thì càng tỏ rõ nhân đức, tư cách và kiến thức sâu sắc của mình. Tôi thấy ngày nào thày cũng học hiểu thêm được những điểu mới mẻ. Vì tôi hay nói chuyện với thày, nên đã nhiều lần tôi rất ngạc nhiên nhận thấy sự thông thái của thày mở rộng quá nhanh.Thày hiểu cặn kẽ những quan điểm triết học hoặc thần học mà tôi thích đưa ra bàn luận dưới hình thức giải trí nhẹ nhàng. Là những người Âu Châu, nói chuyện với những người dân xứ này, phong tục, tập quán, quan niệm và sở thích đều khác, không mấy khi chúng tôi cảm thấy hứng. Nhưng tôi phải thú thực rằng tôi rất thích nói chuyện với Thày Lộc, vì thày thường nêu lên những vấn đề rất ý vị, mà những câu trả lời của thày cũng đầy ý nghĩa và khôn ngoan. Tôi ở cùng nhà với thày một thời gian khá lâu. Khi nào làm việc mệt quá, tôi chỉ thích mời thày đến để được thưởng thức cuộc chuyện vãn đầy hứng thú và bổ ích của thày. Nhưng khi nói đến phúc tử đạo, thày tỏ ra vui vẻ khác thường, nét mặt hân hoan, cung giọng hào hứng. Thấy thế, tôi lấy làm xấu hổ vì tôi hiểu ra ngay thày thấu triệt hơn tôi đặc ân cao cả Thiên Chúa ban cho những ai được Chúa kêu gọi lĩnh nhận phúc trọng ấy”.
Đức Cha Lơ-phe thấy thày Lộc sốt sắng nhân đức như vậy thì gọi thày chịu chức linh mục. Lúc đầu, thày tỏ ra sợ hãi và do dự, sau nhờ ơn Chúa, thày bình tĩnh vâng lời dọn mình kỹ càng sốt sắng, xin Chúa thương gìn giữ và ban ơn sống xứng đáng với chức thánh Chúa sắp dành cho. Đức Cha Lơ-phe kể rằng: “Tôi giúp Cha Lộc cấm phòng chịu chức thánh, nhưng nhìn thấy Cha sốt sắng, tôi đã học tập Cha và mãi mãi ghi nhớ những gương sáng của Cha”.
Rồi thày chiu chức trọng ấy ngày 7-2-1857, ở Lái Thiêu.
Các đạo trưởng phải tra tấn dữ dội hơn, trừ Cha Lộc
Sau khi thụ phong linh mục, Cha Phaọ-lô Lộc nhận chức Bề trên tiểu chủng viện Thị Nghè. Bấy giờ đang là thời kỳ khó khăn, có thể gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng Cha luôn giữ vững tinh thần can đảm, vượt mọi gian khổ, điều khiển tiểu chủng viện được hai năm trời, liên tiếp bị quan quân ác cảm làm khó dễ.
Hồi ấy, có một thày giảng bị bắt năm trước đã vượt ngục trốn đi, gây dư luận xôn xao; đồng thời, tàu Pháp cập bến Đà Năng, uy hiếp tinh thần triều đình Huế. Hai tin này đồn đại đi khắp nơi. Vì vậy, triều đình ra lệnh cấm đạo gắt gao. Các quan cho quân đi phá phách các làng công giáo. Nhiều giáo sĩ và giáo dân bị phân tán hoặc bị bắt giam trong tù. Gian nguy đe dọa khắp các làng mạc phố phường. Cha Lộc buộc lòng phải tạm giải tán chủng viện Thị Nghè, cho các chủng sinh về nhà cha mẹ. Cha Bê trên cũng phải đi trú ẩn ở một họ đạo gần nhà trường với mấy chủng sinh. Nhưng các quan đến vây làng và lùng bắt người có đạo ở ngay gần đấy, nên Cha lại phải trốn đến Chợ Quán, ẩn với Cha Chu và Cha Triêm.
Vì những biến cố mới xảy ra, các quan càng nghi ngờ người có đạo, lại lo ngại họ cộng tác với quân đội Pháp, nên truyền lệnh đặt ảnh Chuộc tội ở xung quanh thành Sài Gòn để ngăn cản các giáo hữu vào thành ấy. Quả thật, đây là một sự hiểu nhầm của các quan và là một điều đáng tiếc, vì dù người có đạo hết lòng mong ước chấm dứt cơn bách hại đạo đã gây nên cho họ nhiều nỗi khổ cực dữ dội, nhưng họ không hề quên nghīa vụ bảo vệ Tổ Quốc. Người ngoại giáo không hiểu như thế, nên tăng cường lục xét và lùng bắt khắp nơi. Ba cha đang ẩn ở Chợ Quán phải chia tay nhau trốn nơi khác. Cha Phao-lô Lộc không quá sợ hãi như nhiều người lúc ấy, nên Cha muốn trở vể tiểu chủng viện Thị Nghè, chắc không phải để cứu vãn tình thế, nhưng để xem nhà trường yêu quý của mình ra sao; một số người khác cho rằng người muốn biết số phận Thày Nhiên thế nào. Thày này, năm trước được sai mang của ăn và tin tức cho mấy Cha thừa sai, thày bị bắt, rồi trốn ra khỏi tù nên đang bị truy nã ráo riết.
Nhiểu người cố gắng can Cha Lộc bỏ ý định trở về Thị Nghè, thì Cha đáp lại rằng: “Ít là anh em cứ để tôi đi lĩnh phúc tử đạo”.
Cha đã về tới Thị Nghè, đến ở nhà thày Ngôn là một cựu chủng sinh. Có một lần Cha gặp một người đàn bà ngoại đạo, tưởng không có gì nguy hiểm và đã nói chuyện với người ấy. Không ngờ bà này có họ với một trung sĩ coi thành Sài Gòn. Bà ta đi báo ngay cho trung sĩ ấy biết mình vừa gặp một đạo trưởng Gia-tô đang trốn ẩn ở nhà một người quen bà. Bà còn đoán thêm rằng đạo trưởng này thường gửi gạo nuôi một người sống trên một chiếc thuyền, có lẽ người ấy là thày giảng đã vượt ngục năm ngoái. Nhưng sự thực không phải thế. Vì đây là một thày sáu chức đang ốm được Cha Lộc gửi cho ít đổ ăn, không phải là thày giảng trong tù trốn ra.
Ông trung sĩ vừa nghe tin báo thì trình ngay lên cấp trên và liền sau đó, một toán lính được lệnh đi tìm tòi lục xét khắp nơi để tìm bắt Cha Phao-lô Lộc cho kỳ được. Khi gặp thấy Cha, họ lễ phép mời Cha về dinh quan trấn, cùng với Thày Ngôn là chủ nhà, một người cháu ở với thày, và một người láng giềng. Hôm ấy là ngày 21-12-1858. Lúc đầu các quan tưởng Cha là Thày Nhiên, nên sai người gọi ngay hai viên cai tù đã coi thày trước khi thày vượt ngục, đến nhận diện để người mới bị bắt hết đường chối cãi, nhưng hai người ấy nói rằng: “Người này không phải tên Nhiên, chúng tôi không biết người này”.
Bấy giờ các quan hiểu ngay Cha là đạo trưởng, vì chính Cha tự nhận như vậy, không cần giấu giếm, không cần nói tránh để mong bớt hình khổ. Cha xin chịu chết để quan tha cho những bổn đạo cùng bị bắt với mình.
Theo thường lệ thì các đạo trưởng vì là cấp lãnh đạo, phải chịu tra tấn dữ dội hơn người khác. Nhưng riêng Cha Lộc không phải tra tấn, không bị đánh đòn, cũng không chịu khổ hình gì; các quan có ý xử nhẹ nhàng để dỗ người khai thêm. Cha khai Đức Cha nào đã truyền chức cho mình, và nhận mình lo việc dạy dỗ đào luyện các chủng sinh, còn việc đi du học ở ngoại quốc thì Cha không khai.
Các quan truyền đóng gông xiềng, rồi giam Cha trong tù với bốn người giáo hữu là Thày Ngôn, cháu thày, và ông Vọng, ông Tuyến.
Cha Phao-lô Lộc phải giam hai tháng.Trong thời gian ấy, Cha bị tra khảo 4 lần, lần nào các quan cũng chỉ hỏi về các nhiệm vụ đạo trưởng của Cha. Không rõ các quan muốn cứu Cha khỏi chết thật hay vì nghi ngờ, chưa tin hẳn Cha là đạo trưởng, nên đòi Cha cho xem áo chức. Cha vừa muốn làm thỏa mãn tính tò mò của họ, vừa muốn tránh không gây liên lụy cho ai, nên sai một người có đạo về Chợ Quán lấy một áo lễ đem đặt ở vườn nhà Thày Ngôn là nơi Cha bị bắt, rổi Cha chỉ cho họ đến chỗ ấy lấy mà xem.
Cha bị tra hỏi nhiều lần. Lần nào các quan cũng khuyến khích Cha bỏ đạo, mỗi lần Cha từ chối, thì bị tát hoặc đánh đòn để sợ đau mà vâng lệnh các quan. Sau thấy dọa nạt và đánh đòn không được, việc các quan thay đổi thái độ, xử dịu dàng lịch sự, ngọt ngào tâng bốc và ca tụng Cha khôn ngoan thông thái, rồi đề nghị Cha nhận một chức thư ký mà hồi ấy đang được kính trọng. Cha từ chối cách lịch sự, nhưng cương quyết.
Trong thời gian Cha phải giam tù, có mấy người giáo hữu thỉnh thoảng vào thăm cũng an ủi Cha được ít nhiều. Hai người năng tới thăm Cha hơn cả là anh Phê-rô Nguyễn Văn Hữu, về sau làm thày giảng, và bà Mát-ta Nguyễn Thị Nho. Cả hai người cùng kể lại rằng lúc nào cũng thấy Cha vui vẻ chịu khổ vì Chúa.
Hằng ngày, Cha dùng thời giờ trong tù để nguyện ngắm, lần hạt và nói chuyện đạo đức với các bạn tù cùng bị giam. Cha đã dạy giáo lý và rửa tội chọ một người ngoại giáo hấp hối.
Cha tưởng mình chỉ phải kết án lưu đầy thôi, nhưng trong lòng vẫn sẵn sàng đón nhận phúc tử đạo. Cha vẫn bình tĩnh đọc kinh cầu nguyện. Cha luôn tỏ nét mặt vui tuơi, hòa nhã, khiến cho lính canh tù phải ngạc nhiên và cảm phục. Cha sửa soạn tâm hồn thật chu đáo để lĩnh nhận cành lá vạn tuế cũng như vài năm trước đây Cha đã dọn mình sốt sáng để lĩnh nhận chức thánh. Xem ra Cha chỉ mong ước được phúc tử đạo để đi tới nguồn hạnh phúc bất diệt là chính Thiên Chúa. Cha nhắn người về xin Cha Triêm là bạn cũ tới thăm mình; Cha Triêm đã tới và đã giải tội cho Cha Lộc lần sau hết.
Bấy giờ tàu Pháp đã đến cửa Cần Giờ, uy hiếp vua quan triều Nguyễn. Thiếu tướng Ri-gôn đơ Giơ-nui-y (Rigault de Genouilly) cho lính câu đại bác vào các đồn bảo vệ ở khắp miền ngoại thành Sài Gòn.
Các quan chưa kịp tâu vua về vụ án Cha Lộc, hoặc đã tâu rồi mà chưa nhận được lệnh vua châu phê án, nhưng vì những biến cố mới xảy ra, các quan rất bận lo việc canh phòng cẩn mật, lo ngại các tù nhân bị đánh tháo, nên các ngài tự nhận lấy trách nhiệm xử án Cha Lộc như sau :
“Đạo trưởng Lê Văn Lộc, người phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tổng Bình Trị, thôn An Nhân, không chịu bỏ đạo, nên phải xử tử. Năm thứ hai triểu vua Tự Đức, ngày mười một tháng thứ nhất”.
Đā đến ngày trong đại, mong ước từ lâu
Ngày 13-2-1859, Chúa Nhật thứ VI sau lễ Hiển Linh, các quan sai một người lính hầu cận điệu Cha Lộc đi. Cha tưởng mình phải chịu tra khảo một lần nữa, nhưng vừa ra khỏi nhà giam, Cha đã thấy một toán quân đeo vũ khí xếp thành hàng chỉnh tề trước mặt mình, có một quan võ điều khiển toán lính ấy, trên đầu là những người khiêng trống trận và cẩm não bạt, rồi đến người cầm thẻ án ghi rằng: “Lê Văn Lộc, đạo trưởng Gia-tô giáo, phải trảm quyết để làm gương cho những kẻ giảng tà đạo”.
Cha hiểu ngay là đã đến ngày trọng đại mong ước từ lâu. Cha vui mừng nâng lòng lên Thiên Chúa, nét mặt tươi tỉnh bước đi giữa toán lính canh phòng hết sức nghiêm ngặt. Dọc đường gặp người em trai, Cha trao tràng hạt Mân Côi và áo Đức Bà cho, rồi Cha ban phép lành cho một người nữ đạo đức tên là I-sa-ve Đinh Công Diên. Người ta giải Cha tới pháp trường, Cha thản nhiên mau mắn tiến lên đón nhận cái chết làm chứng Đức Tin. Không ai thấy Cha tỏ vẻ nao núng sợ sệt. Các giáo hữu rất cảm động khi chứng kiến tấm gương can đảm của Cha. Những người ngoại giáo đi xem xử cũng hết lòng thán phục người anh hùng từ đạo của đạo Gia-tô.
Đúng lúc ấy, quân đội Pháp đang ồ ạt kéo đến, gây tình trạng xôn xao rối loạn, nên người ta không điệu Cha ra pháp trường quen xử xưa nay. Quan Giám sát ra lệnh dừng lại ở một địa điểm gọi là Trường Thi, gần thành phố Sài Gòn; địa điểm ấy nay trở thành góc đường Hai Bà Trưng và đường Hồng Thập Tự.
Một người lính đóng xuống đất một cái cọc rất vững, bắt Cha Lộc quỳ bên cạnh. Cha im lặng quỳ xuống. Lính trói hai tay Cha vào cọc. Cha Lộc bình tĩnh âm thầm cầu nguyện lần sau hết, xin Thiên Chúa đoái nhận tấm lòng trung kiên của mình, sẵn sàng dâng máu đào làm chứng Đức Tin.
Bỗng một hồi não bạt vang lên báo hiệu giờ phút quyết liệt đã điểm. Lý hình vung gươm, một vệt sáng lóe giữa không gian trong khoảnh khắc đưa linh hồn Cha Phao-lô về cùng Thiên Chúa. Xác Cha để nguyên như thế, vẫn buộc vào cọc, vì sợ liên lụy không ai dám đến nhận.
Cất xác Cha Phao-lô Lê Văn Lộc
Khi các giáo hữu miền quanh Sài Gòn nghe tin Cha Lộc đã phải xử, có một người tên là Đa-minh Công Dương (anh này sau làm thày giảng) chạy ngay đến nơi xử, định lo việc cất xác Cha. Anh thấy xác Cha vẫn còn buộc vào cọc, đầu bọc trong khăn đặt bên cạnh. Anh Dương tháo xác Cha khỏi cọc, thì có một người thân hào trong làng ra hỏi xem đã được phép chưa. Anh Dương nói rằng mình định đi xin phép, nhưng không biết quan ở đâu. Người thân hào kia dẫn anh đi, và anh đã xin phép được cách dễ dàng, muốn cất xác Cha Lộc ở đâu tuỳ ý. Khi anh trở về nơi xử thì thấy có bốn giáo hữu khác đang ở đấy: ông Hai, ông Chương, ông Trọng và bà Nở. Ông Trọng mở khăn bọc đầu Cha, ghép vào đúng chỗ cổ, rồi tất cả bấy nhiêu người mang xác Cha về Chợ Quán, chôn cất ở cánh đồng Nhặt Cát, gần nghīa trang nhà xứ.
Khi mở cuộc điều tra để phong chân phúc cho người, xác Cha Phao-lô Lê Văn Lộc được cải táng. Hài cốt Cha được chuyển tới nhà nuôi trẻ mồ côi dòng Thánh Phao-lô thành Sác-tơ để tôn kính và giao cho các nữ tu nhà này coi giữ.
Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho Cha Phao-lô Lê Văn Lộc ngày 2-5-1909. Giáo Hội ghi ơn Cha đã đổ máu làm chứng Đức Tin trung kiên và tinh thần hy sinh tận tụy phục vụ các linh hồn.
Chúng ta hãy tin tưởng và cậy trông, nguyện xin vị chân phúc tử đạo cầu bầu cho chúng ta gắng sức noi gương bắt chước ngài, để sau này, ta được cùng ngài hưởng hạnh phúc vô cùng trên thiên đàng.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha Phao-lô Lê Văn Lộc lên bậc hiển thánh.
[1] Lefebvre
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn